Thứ 4, 17/04/2024 01:33:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:29, 10/09/2014 GMT+7

Mãi xứng danh bộ đội Cụ Hồ

Thứ 4, 10/09/2014 | 09:29:00 2,393 lượt xem
BP - Trở về từ chiến trường, những chiến binh năm xưa lại tiếp tục phát huy phẩm chất sáng ngời của bộ đội Cụ Hồ. Họ không chỉ cần mẫn lao động, giúp đỡ xóm làng, hỗ trợ đồng đội khó khăn cùng vươn lên phát triển kinh tế mà còn gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới.

Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Hoàn thành nghĩa vụ từ chiến trường Campuchia trở về, năm 1982, thương binh Mai Văn Cho (1956) cùng gia đình từ Huế vào tổ 6, khu phố Tân Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài lập nghiệp. Những ngày tháng theo cha đi làm thuê, ông Cho dành dụm được ít tiền cưới vợ và ra ở riêng. Số tiền tiết kiệm ít ỏi, ông đầu tư vào chăn nuôi. Theo dân gian: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, ông Cho đầu tư nuôi heo nái, sau mỗi đợt xuất chuồng heo thịt thì có đợt heo con gối vào. Năm 1998, ông  nuôi thêm bò và nhím. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tốt nên vật nuôi nhà ông ít bị dịch bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn lợi chăn nuôi, ông mua được 3 ha đất trồng cao su, hiện đang thu hoạch năm thứ 6. Năm 2010, ông mở xưởng chẻ hạt điều, tạo việc làm cho trên 100 lao động với thu nhập ổn định từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Mai Văn Cho sống vui vẻ, quây quần cùng con cháu (hình trai). Con đường được mở từ tấm lòng của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung (hình phải)

 
Năm 2007, ông Cho được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng khu phố Tân Bình. Vai trò mới, ông Cho tích cực tham gia các phong trào, hỗ trợ đồng đội, gia đình khó khăn trong phường bằng cách bỏ tiền mua bò giống, 4 hộ cùng nuôi đến khi bò đẻ thì chia đều cho các hộ. Bằng cách làm này, các hộ khó khăn được hỗ trợ từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhận thấy nhiều tuyến đường trong khu phố xuống cấp, mưa là ngập, năm 2013, ông Cho vận động người dân đóng góp sửa đường. Để người dân tin tưởng và hăng hái làm theo, ông tự nguyện ủng hộ trước 20 triệu đồng. Hộ nào chưa có điều kiện thì ông cho mượn. Sau hơn 1 tháng phát động, người dân trong tổ đóng góp được 150 triệu đồng sửa chữa 11 đoạn đường xuống cấp.

Ông Cho nhiều năm liền đạt danh hiệu Người công dân kiểu mẫu, và Thương binh vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.

“Nhà tài trợ” nghĩa tình

Bệnh binh Nguyễn Văn Trung (59 tuổi), quê ở Quốc Oai (Hà Nội), từng giữ chức Phó chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Năm 1989, ông xuất ngũ trở về quê. Gia đình đông anh em, lại ít đất sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám. Năm 1992, ông vào xã Tân Lợi (nay là thị trấn Tân Phú, Đồng Phú) lập nghiệp. Sau 9 năm tích cóp và vay mượn thêm người thân, ông Trung mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Buôn bán thuận lợi nên chỉ ít lâu sau ông đã trả hết nợ và mua được 4 ha cao su.

Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu vào Tân Lợi lập nghiệp, ông Trung nói: “Những ngày mới đặt chân lên vùng đất mới khó khăn chồng chất. Với suy nghĩ “phi thương bất phú” nên ý tưởng kinh doanh nảy sinh trong đầu. Gia đình không có kinh nghiệm kinh doanh nên nhiều người can ngăn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm”.

Có kinh tế khá, ông Trung thường xuyên đóng góp, ủng hộ các hoạt động từ thiện tại địa phương như: Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó vào đầu năm học mới, xây nhà tình nghĩa giúp đỡ đồng đội neo đơn không nơi nương tựa, hỗ trợ vốn vay, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, bán chịu xăng dầu cho những hộ khó khăn đến hết mùa thu hoạch nông sản mới thu lại...

Năm 2003, thấy con đường phía sau nhà dài khoảng 700m lầy lội, người dân đi lại khó khăn, ông Trung ủng hộ 30 triệu đồng đổ đất, mở rộng đường.

Từ những việc làm tình nghĩa của ông Cho, ông Trung, tháng 7 vừa qua, hai ông là thương, bệnh binh tiêu biểu đại diện Hội Cựu chiến binh thị xã Đồng Xoài đi dự lễ tuyên dương “Thương binh làm kinh tế giỏi” tại tỉnh Quảng Nam.        

 Ngân Hà

  • Từ khóa
1824

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu