Thứ 6, 29/03/2024 15:27:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:30, 07/06/2013 GMT+7

Nguy cơ mất nhà vì tin “cò” ngân hàng

Thứ 6, 07/06/2013 | 07:30:00 273 lượt xem

Vì thiếu tiền chăm sóc rẫy và trang trải cuộc sống hằng ngày, gia đình ông Thạch Dươn, ngụ khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài) đã nhờ bà Châu Hồng Nở, ngụ phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) dẫn mối vay thế chấp sổ đỏ ngân hàng 120 triệu đồng với thời hạn 2 năm. Sau 2 năm, ông Dươn bất ngờ nhận được thông báo phải trả một khoản nợ hơn 733 triệu đồng từ trên trời rơi xuống.

GIAO TRỨNG CHO ÁC

Những năm gần đây, điều mất mùa, rớt giá liên tục khiến gia đình ông Thạch Dươn phải nhiều lần thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Xoài. Do ông Dươn không trả lãi suất và tiền gốc đúng hạn, nên ngân hàng không tiếp tục cho ông Dươn vay. Đầu năm 2010, ông Dươn đã thế chấp sổ đỏ để vay nóng 50 triệu đồng. Đến kỳ hạn trả nợ, ông Dươn không có khả năng trả nên được một người hàng xóm giới thiệu gặp bà Châu Hồng Nở để nhờ vay giùm.


Ngôi nhà và thửa đất của gia đình ông Thạch Dươn đã bị “cò” giao cho Công ty Kiều Minh Nguyên thế chấp tại Ngân hàng Techcombank

Bà Thạch Thị Cúc - vợ ông Dươn cho biết: Sau khi trao đổi, bà Nở đã đồng ý nhận “cò” dẫn mối thế chấp sổ đỏ của gia đình tôi tại một ngân hàng ở tỉnh Bình Dương. Để lấy được sổ đỏ (do ông Dươn đã thế chấp để vay nóng một khoản tiền trước đó), bà Nở cho ông Dươn ứng trước một khoản tiền để trả nợ. Sau khi cầm được sổ đỏ của ông Dươn, bà Nở đã làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết để thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Tuy nhiên, bà Nở vay ở ngân hàng nào thì sau này gia đình ông Dươn mới biết.

Ông Dươn cho biết: “Sau 2 ngày cầm sổ đỏ, bà Nở đã gọi gia đình tôi ra một quán nước trên đường Trần Hưng Đạo (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) để đưa 120 triệu đồng và nói số tiền này bà đã thế chấp sổ đỏ của gia đình tôi tại một ngân hàng ở tỉnh Bình Dương, thời hạn vay là 2 năm. Mang tiếng là nhờ bà Nở vay ngân hàng 120 triệu đồng, nhưng thực chất tôi chỉ nhận được 8 triệu đồng. Số tiền 112 triệu đồng còn lại, tôi phải trả lại cho bà Nở (gồm: tiền gốc và lãi vay nóng trước đó, cộng thêm tiền dịch vụ vay vốn và đóng lãi suất vay ngân hàng 1 năm)”.

 BÚT SA NÊN...

Sau khi nhận tiền, bà Nở dẫn gia đình ông Dươn đến Phòng công chứng số 1 (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) ký vào hợp đồng vay tiền của ngân hàng. “Do không biết chữ nên vợ chồng tôi điểm chỉ theo sự hướng dẫn của cán bộ Phòng công chứng số 1. Sau khi điểm chỉ xong, bà Nở nói gia đình cứ về đi, ít hôm nữa sẽ đưa bản khế ước (bản thỏa thuận pháp lý) vay ngân hàng sau. Chờ đợi bà Nở đưa bản khế ước nhưng không thấy đâu, nên tôi đã tìm đến nhà và lần nào bà Nở cũng hẹn lần sau, rồi tìm cách né tránh. Thấy bà Nở có dấu hiệu bất thường, tôi rất lo lắng nhưng không biết làm sao”, bà Cúc buồn phiền nói.

Suốt 2 năm, gia đình ông Dươn lo lắng không biết cuốn sổ đỏ bị bà Nở thế chấp ở ngân hàng nào? Một ngày trung tuần tháng 3-2013, bà Cúc nhận được quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Khi nhận được đơn yêu cầu của Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, gia đình bà Cúc mới biết sổ đỏ bị bà Nở cho Công ty TNHH MTV Kiều Minh Nguyên (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thế chấp tại Ngân hàng Techcombank.

Theo đơn khởi kiện của Ngân hàng Techcombank ngày 27-9-2010, Công ty Kiều Minh Nguyên và Ngân hàng Techcombank đã ký hợp đồng cung cấp hạn mức thấu chi số 20056/HĐHMTC-DN/TCD-CMT8 với nội dung: Giá trị hạn mức thấu chi 500 triệu đồng, mục đích bổ sung vốn lưu động, thời hạn 12 tháng. Khoản vay trên được thế chấp tài sản của bên thứ ba, đó là tài sản của hộ ông Thạch Dươn và bà Thạch Thị Cúc. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hợp pháp với thửa đất số 556, tờ bản đồ số 10, diện tích 1.865,8m2; thửa đất tọa lạc tại phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Kiều Minh Nguyên đã không thực hiện các nghĩa vụ trả nợ theo bản cam kết. Ngân hàng Techcombank đã nhiều lần gửi thông báo, công văn và làm việc trực tiếp với đại diện công ty yêu cầu thanh toán nợ... Tuy nhiên, Công ty Kiều Minh Nguyên đã có dấu hiệu kéo dài thời gian và cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Cũng theo thống kê tạm tính đến ngày 17-8-2012 của Ngân hàng Techcombank, Công ty Kiều Minh Nguyên đã nợ tổng cộng 733 triệu 410 ngàn 54 đồng, trong đó nợ gốc 602 triệu 479 ngàn 878 đồng, nợ lãi 130 triệu 930 ngàn 176 đồng.

NGUY CƠ MẤT NHÀ

Theo tìm hiểu của phóng viên, hợp đồng thế chấp tài sản ký ngày 22-11-2010 tại Phòng công chứng số 1 là hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba. Có nghĩa là ông Thạch Dươn và bà Thạch Thị Cúc dùng tài sản của mình để bảo đảm cho Công ty Kiều Minh Nguyên vay tiền tại Ngân hàng Techcombank. Trong trường hợp này, nếu Công ty Kiều Minh Nguyên không trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ bán tài sản của ông Thạch Dươn và bà Thạch Thị Cúc để thu hồi vốn. Do Công ty Kiều Minh Nguyên không trả nợ nên Ngân hàng Techcombank đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân thị xã Dĩ An.

Theo bản án sơ thẩm số 36/2012/KDTM-DS, ngày 14-12-2012 của Tòa án Nhân dân thị xã Dĩ An và Quyết định số 1361 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An, Công ty Kiều Minh Nguyên không trả nợ nên Ngân hàng Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp của bên thứ ba. Đứng trước nguy cơ cả nhà phải ra đường, ông Dươn và bà Cúc đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bà Nở lên cơ quan Công an tỉnh Bình Phước. Đồng thời, gia đình ông Dươn làm đơn gửi Ngân hàng Techcombank, Tòa án Nhân dân thị xã Dĩ An, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An xem xét và hoãn thời gian thi hành án.

Với chiêu lừa đảo tinh vi này, gia đình ông Dươn đang đứng trước nguy cơ mất nhà vì cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật. Nếu cán bộ Ngân hàng Techcombank, công chứng viên giải thích cho ông Thạch Dươn và bà Thạch Thị Cúc hiểu rõ về hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba (có nghĩa là mang tài sản của mình cho người khác thế chấp ngân hàng), thì chắc chắn ông Thạch Dươn và bà Thạch Thị Cúc không đồng ý. Đây là một bài học đắt giá cho những ai nhẹ dạ, cả tin đem tài sản của mình giao cho những “cò” ngân hàng. Và hành vi của bà Châu Hồng Nở cần được nghiêm trị trước pháp luật để làm gương cho giới “cò”.             

Nhất Sơn

  • Từ khóa
92226

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu