Thứ 7, 20/04/2024 10:34:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:19, 31/07/2015 GMT+7

Mặt đường biến thành… “ao”

Thứ 6, 31/07/2015 | 13:19:00 456 lượt xem
BP - Nắng bụi mù mịt, mưa thì bùn đất nhão nhoẹt, nhiều hố sâu choán hết mặt đường, trở thành bẫy đối với các phương tiện qua lại. Đó là thực trạng đường ĐT753b đi qua các xã Đồng Tâm, Tân Phước (Đồng Phú) và Nghĩa Trung (Bù Đăng). Nhưng nhiều năm qua, các tuyến đường này không được đầu tư sửa chữa, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.

“BẦM GIẬP” DO ĐƯỜNG XẤU

Chúng tôi có mặt tại ngã ba QL14 - đường ĐT753b, thuộc địa phận thôn 1, xã Nghĩa Trung. Dò hỏi đường vào ấp Lam Sơn, xã Tân Phước, được người dân cảnh báo: “Vào đó đường xấu lắm, đêm qua trời mưa lớn, đường sình lầy, bánh xe không gắn xích không thể đi được”. Bất chấp lời khuyên, chúng tôi vẫn đi để tìm hiểu về “con đường đau khổ” này.

Nhiều năm không được đầu tư, tu sửa nên đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Sau trận mưa lớn đêm trước, con đường đất đỏ đã biến dạng hoàn toàn, các hố voi, hố trâu “phình” ra như thách thức người đi đường. Nhiều hố nước ngập sâu từ 0,5-0,7m, có đoạn mặt đường ngập trong nước hoàn toàn. Người dân phải tắt máy xe, lần mò từng bước để tìm lối đi. Do đường không có mương thoát nước hai bên, nhiều nhà dân phải đắp bờ bao cao hơn mặt đường để ngăn không cho bùn, đất chảy vào nhà nên tình trạng ngập cục bộ diễn ra thường xuyên vào mùa mưa.

Chị Bùi Thị Châu ở ấp 1, xã Nghĩa Trung cho biết: “Gần 20 năm đường xuống cấp nghiêm trọng. Mùa khô các hộ dân ở đây không dám mở cửa. Mùa này, chỉ cần một cơn mưa, đường biến thành “hồ”, thành “ao”, cản trở lưu thông. Khổ nhất là các cháu học sinh, mỗi khi đến lớp, đi qua đoạn đường này quần áo đều lấm lem bùn đất. Tình trạng người đi đường bị té xe xảy ra thường xuyên. Tôi đã phải băng bó vết thương cho rất nhiều trường hợp”. Chị Lê Thị Hoa ở cùng ấp cho biết thêm: “Nhà ở bên đường, mỗi khi mưa lớn, nước bẩn tràn vào nhà phải thu dọn, lau chùi rất cực khổ. Chúng tôi ở đây kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. đường xấu đã tạo cơ hội cho thương lái ép giá nông sản, gây thiệt hại cho bà con”.

Anh Nguyễn Thắng ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) cho biết: “Hằng năm, đến vụ thu hoạch trái cây (mùa mưa), tôi thường phải vào khu vực này mua về bán lại cho các tiểu thương ngoài thị xã nên chuyện bị té xe, hàng đổ ra đường xảy ra như cơm bữa. Mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, sửa chữa con đường để người dân thuận tiện hơn trong giao thương”.

Ấp Lam Sơn, xã Tân Phước là địa bàn khó khăn của huyện Đồng Phú. Ấp có khoảng 130 hộ, trong đó đồng bào DTTS chiếm 60% (chủ yếu là dân tộc Xêtiêng). Bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính. Số ít không có đất sản xuất phải làm công cho các chủ vườn. Đường xuống cấp, lại cách xa trung tâm xã khoảng 30km, cách Trạm y tế xã Nghĩa Trung khoảng 20km nên người dân nơi đây khó tiếp cận các dịch vụ y tế. Bà Thị Bưởi (78 tuổi, dân tộc Xêtiêng) cho biết: “Tôi thường bị cao huyết áp và đau bụng, nhưng sống một mình lại già yếu trong khi đi lại khó khăn nên từ trước đến nay chỉ nhờ hàng xóm chở ra Trạm y tế xã Nghĩa Trung vài lần”.

VẪN PHẢI CHỜ VÌ CHƯA CÓ KINH PHÍ SỬA CHỮA

Do đường xuống cấp nên hằng năm, người dân sống ở khu vực có tuyến đường đi qua phải đóng góp tiền và công lao động đổ đá “vá” đường. Thế nhưng, chỉ qua một mùa mưa, đoạn đường lại “đâu vẫn hoàn đấy”. Anh Tô Văn Tình ở ấp 6, xã Đồng Tâm nói: Tuyến đường này nối với huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) nên ngày trước lượng xe qua lại nhiều vì đi tắt đường này gần hơn. Từ khi đường hư hỏng nặng, các loại xe tải không còn lưu thông nữa.

Hố sâu, nước đọng lâu ngày nên người dân phải xẻ rãnh thoát nước cho chảy xuống vườn của gia đình và dùng bao đất đắp thành bờ bao ngăn không cho tràn vào nhà. Một người dân xã Nghĩa Trung cho biết: “Mấy năm trước, những chiếc xe tải chở gỗ, củi, cát, đá quá khổ quá tải qua lại hằng ngày đã tàn phá con đường. Các cháu nhỏ đáng lẽ được học đúng tuyến, đúng trường nhưng vì đường xấu phụ huynh phải tìm các điểm lẻ gần nhà cho con “học ké”. Như cháu tôi ở ấp 3, xã Đồng Tâm nhưng phải cho con học ở điểm lẻ của Trường tiểu học Lê Văn Tám thuộc xã Nghĩa Trung”.

Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết: Tuyến đường ĐT753b rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở các xã, thôn khó khăn của hai huyện Bù Đăng và Đồng Phú. Riêng xã Nghĩa Trung tuyến đường đi qua 4 thôn. Do đường xuống cấp nên trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh vấn đề này. UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị, nhưng kinh phí của tỉnh (tuyến đường do tỉnh quản lý - PV) hạn hẹp nên phải chờ. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã đã cùng ban điều hành các thôn vận động người dân góp tiền mua đất, đá và đóng góp ngày công san lấp những đoạn hư hỏng nặng... Người dân ở đây mong trong thời gian chưa sửa chữa, nhà nước cần có giải pháp ngăn chặn các loại xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến đường này.

H.Dụng - H.Châu

  • Từ khóa
92665

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu