Thứ 6, 29/03/2024 22:30:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:03, 11/09/2019 GMT+7

Mặt trận không tiếng súng - Bài 1

Thứ 4, 11/09/2019 | 07:03:00 1,474 lượt xem

BP - Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu sụp đổ (năm 1991), chủ nghĩa đế quốc rêu rao, chúng đã thực hiện thành công chiến lược “diễn biến hòa bình” và sẽ triển khai thực hiện âm mưu này sang những nước khác. Trước tình hình quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, từ ngày 20 đến 25-1-1994, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII. Tại hội nghị này, Đảng ta đã xác định về 4 nguy cơ: Tụt hậu về kinh tế; chệch hướng XHCN; tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đặc biệt, Đảng ta nhấn mạnh đến nguy cơ thứ tư là các thế lực thù địch đang sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta. Bài học kinh nghiệm quý báu từ Đông Âu và Liên Xô cho thấy, chủ nghĩa đế quốc đang tổ chức một mặt trận không có tiếng súng để thủ tiêu chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội trên toàn cầu. Vì vậy, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay được xác định là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Bài viết có tham khảo nhiều tài liệu, báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS và Công an tỉnh Bình Phước...

HIỂU ĐÚNG ĐỂ ĐẤU TRANH TRÚNG

Sau ngày thống nhất đất nước, có không ít ý kiến chủ quan, duy ý chí về sức mạnh của dân tộc khi đánh thắng 2 đế quốc lớn nhất nhì thế giới, nên lơ là việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, chậm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng, cải cách chính quyền để quản lý đất nước... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã thực hiện quyết liệt chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Vậy, âm mưu, bản chất, sự nguy hiểm của chiến lược này như thế nào? Và việc phòng chống phải bắt nguồn từ nhận thức, hiểu đúng như lời người xưa đã dạy: “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu còn mơ hồ về bản chất và hô hào theo khẩu hiệu chung chung thì những hậu quả xảy ra sẽ rất khó lường.

Từ chuyện của người xưa...

Theo tư liệu lịch sử, Quản Trọng (724-645 trước Công nguyên), một nhà tư tưởng, chính trị thời Xuân Thu, là cha đẻ của học thuyết “Không đánh mà thắng”. Với học thuyết này, ông đã giúp Tề Hoàn Công bá chủ Trung Nguyên, buộc các nước khác phải thuần phục mình.

Để thực hiện chiến lược “Không đánh mà thắng”, Quản Trọng chủ trương lấy mưu làm gốc, dùng trí thắng địch, lấy hòa bình tạo ra những diễn biến, thủ đoạn để không đánh nhưng đối phương vẫn phải khuất phục mình. Tổng hợp chiến lược “Không đánh mà thắng” của Quản Trọng thông qua 2 phương án. Phương án thứ nhất “Mưu công và văn phạt” để tạo ra âm mưu lật đổ vua nước người. Phương án này có 5 chính sách, bao gồm: Gây mâu thuẫn nội bộ triều đình; đẩy mâu thuẫn này lên cao điểm; gây mâu thuẫn giữa nhân dân với triều đình; gây mâu thuẫn giữa các nước và gây mâu thuẫn giữa các tầng lớp quan lại. Để thực hiện các chính sách này, Quản Trọng đề cao sự mua chuộc, chia rẽ nội bộ triều đình bằng vật chất, sự cám dỗ, tung tin đồn thất thiệt... tạo mâu thuẫn giữa các bên thêm sâu sắc. Phương án thứ 2 là bóp chết đối phương bằng kinh tế, buộc chạy theo “nhu cầu” của mình dẫn đến những sai lầm về chính sách làm sụp đổ một quốc gia. Quản Trọng cho rằng, nếu nước A có tiềm năng sản xuất lúa gạo thì ông sẽ bỏ tiền mua chim sẻ và mua chân trâu, bò với giá cao. Người dân nước A hám lợi, bỏ bê đồng áng đi bắt chim sẻ về bán. Đồng ruộng hết chim sẻ, sâu bệnh phát sinh làm mất mùa, dân đói kém. Trâu, bò bị cắt chân mất sức kéo, sản xuất giảm sút, mùa màng thất bát, nông dân đói khổ sẽ sinh ra bạo loạn... Hoặc, bằng giá thu mua, Quản Trọng có thể “biến” một nước mạnh về trồng trọt, chăn nuôi... đi vào “ngõ cụt” vì không có lối thoát cho sản phẩm làm ra. Bằng những chính sách đó, Quản Trọng đã giúp Tề Hoàn Công bá chủ Trung Nguyên thời Xuân Thu.

Sau ngày giành được chính quyền, Bác Hồ luôn căn dặn và đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải luôn cảnh giác với mọi thủ đoạn của kẻ thù, nhất là với các biện pháp “mềm”, kiên quyết chống lại mọi sách lược, sức ép để bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong Di chúc, Bác luôn căn dặn và nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết. Người yêu cầu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bởi, có sự đoàn kết chúng ta mới vượt qua phong ba bão tố và làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù.

đến chiến lược của các thế lực thù địch

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, được sự trợ giúp của Liên Xô, chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn mạnh ở các nước Đông Âu và lan ra nhiều nước trên thế giới. Lo sợ trước sự phát triển như vũ bão của chủ nghĩa cộng sản, từ năm 1947, Mỹ thực hiện “Chính sách ngăn chặn” bằng học thuyết Truman. Với học thuyết này, Mỹ thực hiện kế hoạch Marshall viện trợ kinh tế cho châu Âu và thành lập khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949 để dùng bạo lực chống lại cách mạng. Tuy nhiên, chính sách này không thành công vì cách mạng XHCN đang lan rộng ra khắp các châu Á, Phi và Mỹ La tinh.

Vì vậy, vào năm 1953, John Foster Duller nhận chức Ngoại trưởng Mỹ đã vạch ra chiến lược “diễn biến hòa bình” và “Chính sách giải phóng” thay thế “Chính sách ngăn chặn” không hiệu quả. Duller cho rằng, giải phóng không có nghĩa là chiến tranh. Giải phóng có thể dùng các biện pháp ngoài chiến tranh, tức bằng phương pháp hòa bình, không cần tiếng súng. Theo Duller, thực hiện phương pháp hòa bình, tức yếu tố quân sự chỉ để răn đe, hậu thuẫn. Còn nhiệm vụ chính là ra sức xâm nhập vào nền kinh tế, chính trị, văn hóa và tư tưởng, thúc đẩy quá trình tự do hóa... làm nội bộ các nước đối lập bị phân hóa và tự tan rã. Thực hiện chính sách này, Mỹ chủ trương giao lưu văn hóa, đưa sách, báo, phim ảnh đồi trụy, hô hào giải phóng tình dục xâm nhập vào các nước đối lập với chúng. Đồng thời, phao tin đồn nhảm, xuyên tạc sự thật, gây rối loạn lòng tin của người dân, đánh vào lý luận tư tưởng, xét lại lịch sử và cổ vũ lối sống hưởng thụ, thực dụng... làm xói mòn tố chất dân tộc, băng hoại giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống, phủ nhận chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ngoài ra, chủ nghĩa đế quốc còn thực hiện các biện pháp như cấm vận, bao vây kinh tế, viện trợ kinh tế để lệ thuộc về chính trị, lợi dụng mâu thuẫn về dân tộc kích động bạo lực, bạo loạn lật đổ, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phi chính trị hóa quân đội... tạo các điểm “nóng” để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác.

Và các nội dung chống phá đối với cách mạng Việt Nam

Trong giai đoạn 1945-1975, chủ nghĩa đế quốc đã dùng bạo lực để xâm chiếm nước ta; tiếp đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới nhưng chúng đã bị thất bại hoàn toàn. Để tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch tiếp tục răn đe về quân sự và chuyển sang các chiến lược “bao vây cấm vận kinh tế”, “cô lập về ngoại giao”, kích động bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Đặc biệt, lợi dụng những thành công trong công cuộc đổi mới đất nước, các thế lực thù địch đã dùng thủ đoạn xóa bỏ “cấm vận kinh tế” và bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam bằng âm mưu “diễn biến hòa bình” rất tinh vi, xảo quyệt.

Thực hiện âm mưu này, chủ nghĩa đế quốc đã vạch ra 6 lĩnh vực chống phá bằng con đường hòa bình, phi vũ trang gồm: kinh tế, chính trị, tư tưởng - văn hóa, tôn giáo - dân tộc, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Cụ thể, về kinh tế, bằng các hoạt động viện trợ, đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ để đặt ra các điều kiện và gây sức ép về chính trị, từng bước chuyển hóa Việt Nam theo con đường tư bản, đẩy nhanh nền kinh tế thị trường ở nước ta đi vào quỹ đạo của chúng. Về chính trị, chúng hô hào đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, lợi dụng các vấn đề nhân quyền, tự do hóa, kích động hận thù dân tộc để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, gây bạo loạn để can thiệp trắng trợn bằng vũ lực nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở nước ta. Bằng các hoạt động giao lưu văn hóa, chúng đưa sản phẩm văn hóa đồi trụy, tuyên truyền lối sống hưởng thụ, thực dụng vào nước ta để hủy hoại bản sắc văn hóa và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nhằm mục đích xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lợi dụng khó khăn ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những hạn chế trong các chính sách dân tộc, tôn giáo để kích động nhân dân gây mất ổn định xã hội và làm chệch hướng chế độ. Lợi dụng xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế, chúng đòi “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, công an. Trong lĩnh vực đối ngoại, chúng chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương và các nước XHCN khác, hạ thấp uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Ngoài ra, với các chiêu bài như xuyên tạc sự thật, phao tin đồn thất thiệt, phủ nhận và viết lại lịch sử, ca ngợi những kẻ phản bội như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh, Ngô Đình Diệm... hòng gây rối loạn lòng tin của nhân dân. Vì vậy, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã khẳng định “diễn biến hòa bình” là một trong 4 nguy cơ của cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh đập tan âm mưu này là một cuộc chiến đầy cam go, khó khăn, phức tạp đối với cách mạng nước ta.

Tấn Phong

  • Từ khóa
2865

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu