Thứ 6, 26/04/2024 09:19:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:14, 02/11/2017 GMT+7

Mệnh lệnh cải cách hành chính

Thứ 5, 02/11/2017 | 09:14:00 115 lượt xem

BP - Vô cảm, xử lý sai phạm chưa nghiêm, kỷ luật công vụ kém, trách nhiệm của người đứng đầu không đạt yêu cầu, thiếu tôn trọng thực tiễn, ngồi nhầm chỗ, cơ chế xin - cho bị lạm dụng, công việc của dân, của nước bị ách tắc... Đó là những nội dung được đề cập nhiều nhất với những dẫn chứng, con số cụ thể được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu lên trong buổi thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, ngày 30-10.

Đặc biệt, những con số được công bố cho thấy thật vô lý khi càng cải cách, càng tinh giản thì bộ máy lại càng phình to, lãnh đạo ngày một nhiều hơn (năm 2016 biên chế tăng 4,8% so với năm 2011, bình quân cấp phó ở tất cả các cấp, từ cấp thứ trưởng đến phó phòng cấp huyện đều tăng mạnh...). Đặc biệt hơn nữa, bộ máy ngày một phình to nhưng hiệu quả hoạt động lại kém đi?

Không biết từ bao giờ, người nước ngoài văn minh rất ngán ngẩm và khó hiểu về việc 1 người Việt làm việc rất nhanh, rất tốt, rất hiệu quả, nhưng từ 2 người trở lên làm thì ì ạch và phát sinh nhiều vấn đề. “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” - ông Khổng Tử bên Trung Quốc thời cổ đại có nói như thế. Nghĩa đen là trong 3 người đi cùng nhau, tất có 1 người là thầy (của 2 người còn lại). Nghĩa bóng, mặt tích cực là đề cao vai trò tập thể, đề cao khiêm tốn học hỏi, nhưng mặt tiêu cực đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa người Việt. Là đi chung đường, làm việc với nhau, không lo việc của mình cho tốt, cứ chăm chăm dòm người ta, rồi kèn cựa, tị nạnh, “thể thao tổng hợp” đè đầu cưỡi cổ, ném đá giấu tay, thượng đội hạ đạp, thọc gậy bánh xe, gắp lửa bỏ tay người, lựa gió bẻ măng, thừa đục thả câu... Nó cũng dẫn tới hệ lụy không xem nhau là cộng sự, không chấp nhận mỗi người có một giá trị riêng, làm việc với năng lực và sở trường riêng, việc nào mình có ích nhất thì làm... mà cứ nhăm nhăm muốn làm thầy, thích cái danh làm thầy, thích làm thầy mấy người còn lại.

Không biết vô tình hay hữu ý, tư tưởng thích làm thầy ấy còn len lỏi vào văn bản, quy định về tổ chức, cán bộ. Thế nên, một cơ quan nhà nước 46 người, trừ lao công và bảo vệ ra, 44 người còn lại đều là “lãnh đạo”, từ phó phòng trở lên, nhưng Thanh tra Bộ Nội vụ kết luận cơ sở pháp lý bổ nhiệm cán bộ phù hợp với quy định của pháp luật, việc bổ nhiệm thực hiện theo quy định, công chức được bổ nhiệm cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đến đây, chắc ai cũng cho rằng, vậy thì “quy định” đó có vấn đề và cần được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ xây dựng quy định khác cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Bộ máy nhà nước đang cồng kềnh; cán bộ, công chức, viên chức nhiều lên nhưng hoạt động lại kém hiệu quả, chồng chéo. Cần có giải pháp đối với từng nhóm vấn đề cũng như có một chiến lược tổng thể để cải cách hành chính hiệu quả. Đại biểu Quốc hội lên tiếng, tức là nhân dân có ý kiến, thể hiện nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Đây cũng là mệnh lệnh của cử tri cả nước, là mệnh lệnh từ chính cuộc sống đang diễn ra.

Một đại biểu Quốc hội thậm chí đã đề nghị coi bộ máy, biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn. Tinh giản là chạm đến vấn đề con người và lợi ích, danh dự đi kèm. Điều đó chưa bao giờ dễ dàng, nhưng đã đến lúc không thể không cắt bỏ những khối ung nhọt trong bộ máy hành chính. Bởi bên cạnh ngân sách quốc gia đang gặp khó khăn, trần nợ công sắp chạm đỉnh, vay nước ngoài đến ngưỡng báo động, cải cách hành chính còn mang một ý nghĩa xa hơn là nâng cao giá trị văn hóa và vị thế của dân tộc Việt Nam.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu