Thứ 4, 24/04/2024 03:34:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:05, 27/06/2015 GMT+7

Miễn, giảm hình phạt và những bất cập trong BLHS

Thứ 7, 27/06/2015 | 15:05:00 2,476 lượt xem

BP - Miễn, giảm hình phạt tù là một chế định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành. Đây là giải pháp để rút ngắn thời hạn phải chấp hành hình phạt trong trại giam của người phạm tội, bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Nói cách khác, người bị kết án tù có thời hạn nếu có đủ điều kiện luật định thì tùy trường hợp có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Xét về góc độ xã hội, đây là giải pháp mang đậm tính nhân văn.

Việc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù đối với người phạm tội được quy định tại Điều 57 BLHS. Riêng đối với người chưa thành niên phạm tội thì vấn đề này còn được quy định tại Điều 76. Theo quy định này, người phạm tội có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù có thời hạn trong hai trường hợp. Thứ nhất, người phạm tội bị kết án tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho người đó (Khoản 1, Điều 57). Thứ hai, người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đang được hoãn chấp hành hình phạt mà lập công thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt (Khoản 3, Điều 57).

Việc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại có thể được tiến hành đối với người phạm tội trong thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công hoặc trong trường hợp được đặc xá. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 57, người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đang trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công thì có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Ngoài ra, theo quy định của Luật Đặc xá, người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn mà thỏa mãn các điều kiện về ý thức chấp hành nội quy, quy chế trại giam, thái độ lao động, học tập, xếp loại cải tạo cũng như điều kiện về thời gian đã thực tế chấp hành hình phạt tù thì được đề nghị Chủ tịch nước quyết định đặc xá (Điều 10). 

Liên quan đến việc miễn hình phạt đối với người chưa thành niên thì theo quy định của BLHS, người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng có thể được xét miễn chấp hành phần hình phạt còn lại (Khoản 2, Điều 76). Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật hình sự hiện hành đã có nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội bị kết án phạt tù nhanh chóng trở về với xã hội. Theo đó, điều kiện về miễn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội nhìn chung dựa trên ba tiêu chí là thời gian thực sự chấp hành hình phạt, thái độ cải tạo phục hồi (lập công, có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, xếp loại cải tạo) và lý do nhân đạo (mắc bệnh hiểm nghèo). Việc áp dụng những quy định này trong thực tiễn đã góp phần đáng kể vào việc động viên người bị kết án yên tâm cải tạo, tích cực sửa chữa lỗi lầm để trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy những quy định trên vẫn còn có một số bất cập:

Thứ nhất, các quy định về miễn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội chưa thực sự chú trọng đến việc phòng ngừa tái phạm. Vì việc thực hiện tội phạm hoặc tái phạm chính là kết quả của nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có yếu tố từ gia đình, bạn bè, nhà trường và bản thân người đó. Do vậy, việc chấp hành hình phạt phải hướng tới giải quyết những yếu tố nguy cơ đó mới có thể bảo đảm phòng ngừa tái phạm. Vì vậy, yếu tố nguy cơ là vấn đề không thể bỏ qua khi thiết kế và thi hành các quy định về miễn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội. Vì vậy, những quy định nêu trên chưa bảo đảm được yêu cầu này. Cụ thể, đối với những trường hợp được miễn toàn bộ hoặc một phần hình phạt, nhưng trong đó còn có yếu tố nguy cơ là nguyên nhân gây nên hành vi phạm tội của người đó vẫn chưa giải quyết được. Ví dụ như, với trường hợp lập công, mặc dù rất đáng khuyến khích và cũng thể hiện được phần nào quyết tâm, thiện chí và mong muốn của người phạm tội trong việc sửa chữa lỗi lầm và phục thiện, nhưng nếu lập tức miễn ngay toàn bộ hình phạt thì mục đích của hình phạt chưa đạt được.

Chưa hết, những quy định về miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt tù còn lại hiện nay đều được tiến hành trên cơ sở không có chế tài ràng buộc đối với người phạm tội được trả tự do. Trong khi đó, những yếu tố nguy cơ của người đó chưa chắc đã được giải quyết một cách đầy đủ. Ví dụ như đối với những trường hợp có thói quen xấu, khi được trả tự do mà không có chế tài ràng buộc thì người phạm tội rất dễ quay trở lại con đường vi phạm pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị trong BLHS sửa đổi cần quy định rõ người đang chấp hành hình phạt tù, nếu thỏa mãn một số yêu cầu như về thời hạn chấp hành án, cải tạo tốt và có nhiều tiến bộ thì được miễn chấp hành hình phạt tù còn lại với điều kiện là sau khi trả tự do, họ phải tuân thủ một số điều kiện như tuân thủ pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ công dân, trình diện cơ quan có thẩm quyền, không được đi khỏi nơi cư trú và phải tham gia một số chương trình dịch vụ xã hội... và phải bị giám sát trong một thời gian nhất định.

Thứ hai là đối tượng được miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt tù còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào đối tượng lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Mặc dù Luật Đặc xá có mở ra khả năng trả tự do sớm cho tất cả những người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù mà thỏa mãn những yêu cầu về thời hạn thực tế chấp hành hình phạt, thái độ cải tạo, ý thức học tập, lao động... nhưng xét về nguyên tắc, đặc xá chỉ được tiến hành trong những dịp đặc biệt chứ không mang tính chất thường xuyên. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm kiến nghị để việc sửa đổi BLHS lần này đạt hiệu quả cao.

N.V

  • Từ khóa
22606

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu