Thứ 6, 19/04/2024 20:35:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:21, 14/05/2019 GMT+7

Minh Long phát triển sầu riêng VietGAP

Thứ 3, 14/05/2019 | 14:21:00 596 lượt xem
BP - Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Minh Long (Chơn Thành) đã phát triển sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực và đặc sản của xã. Đa số hộ trồng đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đặc biệt thực hiện theo mô hình VietGAP cho năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định.

Gia đình ông Tô Thanh Dân ở ấp 6, xã Minh Long tiên phong sản xuất sầu riêng sạch theo quy trình VietGAP tại huyện Chơn Thành. Từ năm 2018, ông Dân tham gia các lớp tập huấn, hội thảo và xây dựng mô hình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP trên diện tích 1 ha sầu riêng giống Ri6, Monthong của gia đình. Để đạt tiêu chí VietGAP, ông phải ghi nhật ký sản xuất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phun đúng liều theo khuyến cáo, đảm bảo thời gian cách ly, có kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, có nơi pha chế thuốc, có bảng hướng dẫn và cảnh báo khi phun thuốc, trang bị bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất... Ông Dân cho biết: “Áp dụng mô hình trồng sầu riêng VietGAP không khó, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, tiếp cận và nắm vững kiến thức khoa học, kỹ thuật trong thâm canh, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe, môi trường”. Đầu tháng 4-2019, vườn sầu riêng 1 ha của ông Dân đã được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO tại Cần Thơ chứng nhận hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, ước tính 1 ha sầu riêng 8 năm tuổi của gia đình ông cho thu 16 tấn trái, bán với giá 60-80 ngàn đồng/kg, thu lãi hơn 800 triệu đồng.

Ông Tô Thanh Dân ở ấp 6, xã Minh Long trồng sầu riêng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao

Tương tự, vườn sầu riêng 1 ha của hộ anh Phạm Minh Châu ở ấp 4, xã Minh Long, cũng đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học thay phân bón hóa học và chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Nhờ áp dụng tốt khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn sầu riêng của gia đình anh Châu vụ này cho năng suất cao hơn những năm trước. Anh Châu cho biết: “Sản xuất theo mô hình VietGAP là hướng đi đúng đắn, qua đó giúp gia đình nâng cao chất lượng sầu riêng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Năm nay, 1 ha sầu riêng của gia đình cho sản lượng khoảng hơn 15 tấn trái, thương lái đến tận vườn mua với giá 80 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lãi 800 triệu đồng/ha”.

 Theo thống kê của Hội Nông dân xã Minh Long, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 40 ha sầu riêng, phần lớn nhà vườn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí, công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái. Đến nay, 70% diện tích sầu riêng được nông dân áp dụng trồng theo hướng VietGAP đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Long Phan Thanh Châu cho biết: “Trong thời gian tới, hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất VietGAP để nhân rộng mô hình. Đặc biệt, tiếp tục vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã cây ăn trái Minh Long để tạo chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, mong muốn có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra, người dân yên tâm sản xuất”.

Đỗ Trình

  • Từ khóa
44405

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu