Thứ 7, 27/04/2024 02:54:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 19:04, 09/09/2013 GMT+7

Minh Tâm: Nhiều diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang

Thứ 2, 09/09/2013 | 19:04:00 331 lượt xem

Những năm gần đây, địa bàn xã Minh Tâm (Hớn Quản) luôn bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt, nước lũ dâng cao ở các sông, suối mỗi khi mùa mưa đến khiến hàng chục ha đất nông nghiệp nơi đây đang bị bỏ hoang.

Do địa bàn xã Minh Tâm có nhánh sông Sài Gòn chạy qua nên mỗi khi mùa mưa đến, nước từ thượng nguồn đổ về các con suối: Ru, Chà Là, Ma, Trâu, Ba Veng, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ. Có khi lũ gây ngập kéo dài cả tuần, gây thiệt hại cây trồng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.


Hộ anh Điểu Dũng ở sóc Vàng có 5 sào đất hiện đang bỏ hoang

Ông Nguyễn Thế Tài ở tổ 8, ấp 1, xã Minh Tâm cho biết: Khu đất trồng cao su của gia đình tôi nằm giáp bờ sông Sài Gòn nên hàng năm vẫn bị ngập nước. Mỗi lần ngập có khi sâu gần 1m, cây bị thối miệng cạo, không thể khai thác mủ, hơn một trăm cây bị chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đầu năm 2013, tận dụng đất trống phía sau nhà, tôi trồng 1,2 ha mì, nhưng chưa được thu hoạch thì nước đã tràn về, kéo dài 3 ngày làm chết cây thối củ. Cùng tổ có gần 10 ha mì của nhiều hộ dân cũng trong tình trạng ngập nặng, vườn rẫy bị ảnh hưởng. Không những cây trồng bị ngập úng mà nhà tôi cũng bị ngập nước mỗi khi lũ về. Nhiều lần lũ về ban đêm nên đồ đạc, giường chiếu trong nhà ướt hết.

Trước đây, người dân trong xã thường tận dụng khu đất trống hoặc vườn điều, cao su non để trồng cây ngắn ngày. Thế nhưng, do mùa thu hoạch của loại cây trồng này đúng vào thời điểm thường xảy ra mưa lũ nên hiện người dân không biết xen canh cây gì? Ông Tài nói: Biết là ở nơi thường xảy ra ngập lụt, nhưng vẫn phải trồng, vì đất canh tác mà bỏ không thì người nông dân biết làm gì, lấy gì để sống?!

Cũng nằm trong vùng ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, những năm qua mấy chục hộ dân ở sóc Vàng đang phải chịu cảnh dở khóc, dở mếu khi vườn rẫy có nhưng phải bỏ hoang. Trước đây, người dân trồng điều là chủ yếu, ở khu đất trũng thì trồng các loại cây ngắn ngày (bắp, lúa). Thế nhưng, do lũ gây ngập cục bộ nên sóc hiện có khoảng hơn 14 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Chị Thị Lét (dân tộc Xêtiêng) than phiền: Nhà tôi có 7 sào trồng lúa, điều nhưng hiện đang bỏ không. Nước ngập hết vườn, không nghề nghiệp nên hai mẹ con phải đi mót mủ kiếm sống.

Hộ anh Điểu Dũng có 5 sào trồng lúa cũng bị bỏ hoang để cỏ dại mọc từ 6 năm nay. Anh Dũng cho hay: Từ khi đất bỏ không, vợ chồng tôi phải đi cạo mủ thuê, ai mướn gì làm nấy nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn.

Ông Bùi Thanh Thuyết, cán bộ giao thông, thủy lợi xã Minh Tâm cho biết: Toàn xã có khoảng 50 ha trong diện ngập từ 3 ngày trở lên vào mùa lũ, hầu hết nằm hai bên bờ các sông, suối. Cả xã có 4 ấp, 3 sóc, trong đó nặng nhất là tổ 8, ấp 1 và sóc Vàng là ngập triền miên, không thể canh tác.

Bà Nguyễn Thị Quý, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tâm nói: Xã đã kiến nghị với Ban quản lý các hồ đập Ba Veng, hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) có kế hoạch xả lũ phù hợp, đồng thời phải thông báo rộng rãi, kịp thời để người dân chủ động đối phó, tránh gây thiệt hại kinh tế cho người dân.     

Hải Châu

  • Từ khóa
39359

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu