Thứ 7, 20/04/2024 13:29:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 10:57, 27/04/2017 GMT+7

Minh Trị duy tân

Thứ 5, 27/04/2017 | 10:57:00 1,458 lượt xem
BP - Nước Nhật thời cổ đại, thiên hoàng là người có uy quyền tuyệt đối về tinh thần lẫn chính trị. Từ thế kỷ thứ XI trở đi, vai trò của thiên hoàng bị lu mờ bởi nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến địa phương. Theo đó, mỗi địa phương ở Nhật Bản bị thống trị bởi một lãnh chúa do một tướng quân đứng đầu gọi là chính quyền Mạc phủ.

Tháng 1-1867, Hiếu Minh Thiên Hoàng chết khi mới 36 tuổi, con ông là Mục Nhân (15 tuổi) kế nghiệp. Lúc này, Mạc phủ Đức Xuyên đang bành trướng thế lực, lấn át Thiên Hoàng. Đức Xuyên yêu cầu Thiên Hoàng xuất binh đánh dẹp các lãnh chúa và mạc phủ khác ở miền Nam. Một số đại thần trong triều bất mãn đòi trừng trị Đức Xuyên vì tội “khi quân, phạm thượng”... Mạc phủ Đức Xuyên ban hành “Lệnh đóng cửa” đất nước, tức bế quan tỏa cảng, cấm người Nhật giao du với nước ngoài để trấn áp các thế lực đối địch. Tháng 10-1867, phe chống Đức Xuyên họp bàn việc điều quân đội từ các Mạc phủ khác về Kyoto. Đức Xuyên vờ xin Thiên Hoàng cách chức mình nhằm làm giảm ý chí của phe chống đối. Thế nhưng, Đức Xuyên vẫn thống lĩnh vị trí tướng quân và âm thầm chuẩn bị lực lượng để đối phó.

 Ngày 30-1-1868, phe chống đối tiến hành đảo chính, thúc Thiên Hoàng ban bố “Hiệu lệnh phục hồi vương pháp cũ”, tước bỏ quyền lợi, địa vị và buộc Đức Xuyên trao quân đội lại cho vua. Cùng ngày, phe chống đối thành lập Chính phủ Thiên Hoàng Trung ương tập quyền và bố cáo với chính phủ các nước về quốc thư “Phục hồi vương pháp cũ”. Đức Xuyên đưa quân từ Osaka theo hai hướng tiến về Kyoto và giao chiến với quân Chính phủ nhưng bị thất bại. Đức Xuyên chạy về Edo, Thiên Hoàng lệnh tấn công Edo vào tháng 4 và đến tháng 6 thì xóa sổ Mạc phủ Đức Xuyên.

Ngày 6-4-1868, Thiên Hoàng Mục Nhân ban hành cương lĩnh cải cách duy tân “Lời thề 5 năm điểm”. Sau đó, Thiên Hoàng củng cố Chính phủ và tiến hành hàng loạt cải cách. Công cuộc Minh Trị duy tân là xây dựng chế độ Trung ương tập quyền, lấy Thiên Hoàng làm trung tâm thông qua các đạo luật để triệt bỏ nạn cát cứ. Năm 1871, Thiên Hoàng bắt đầu cải cách về quân sự theo phương châm “Nước giàu quân mạnh” bằng luật nghĩa vụ quân dịch và xây dựng quân đội thường trực cùng lực lượng hải quân. Nhật hoàng còn cử 48 người đi 20 nước Âu, Mỹ để tìm hiểu về chính trị, quân sự, kinh tế và giáo dục nhằm chấn hưng đất nước.

Theo đánh giá của các nhà sử học, công cuộc Minh Trị của Nhật Bản kéo dài 20 năm đã làm cho nước này trở thành một cường quốc tư bản hùng mạnh. Tuy nhiên, việc cải cách của Nhật chưa triệt để còn để lại nhiều tàn dư phong kiến nên trong quá trình phát triển đã đưa quốc gia này thành một nước quân phiệt gây ra nhiều tai họa cho nhân loại trong cuộc đại chiến thế giới lần hai.

Tấn Phong

  • Từ khóa
66467

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu