Thứ 7, 20/04/2024 20:26:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:33, 12/02/2019 GMT+7

“Mở biển” nghề cá có trách nhiệm

Thứ 3, 12/02/2019 | 08:33:00 135 lượt xem
BP - Sau thời gian vui xuân, đón tết, các làng chài ven biển lại hối hả chuẩn bị mùa đánh bắt mới. Ngay sau nghi lễ “mở biển”, những con tàu đánh cá của ngư dân bắt đầu lướt sóng ra khơi. “Mở biển” là một tục lệ đẹp có từ lâu đời của ngư dân Việt Nam. Tùy từng làng, từng vùng quê vào những ngày đầu xuân, các lão ngư chọn ngày lành, giờ tốt để tổ chức lễ hội với đầy đủ phẩm vật dâng cúng. Năm nay, trong ngày “mở biển” đầu xuân Kỷ Hợi, bà con ngư dân còn nhận thức rõ về việc “nghề cá có trách nhiệm”, tuân thủ các quy định khai thác hợp pháp nhằm quyết tâm gỡ bỏ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU).

TỪ PHONG TỤC ĐẸP

Tục lệ “mở cửa biển” mang ý nghĩa của “lễ xuất quân” cho một mùa vụ hải ngư mới. “Mở biển” được duy trì và thực hành từ hàng trăm năm qua, mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân làng biển. Nghi lễ chứa đựng ý nghĩa văn hóa tâm linh, thể hiện sắc thái cộng đồng trong hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản. Ngày nay, cùng với những phong tục tập quán mang tính nghề nghiệp liên quan, tục “mở cửa biển” vẫn luôn được các cộng đồng ngư dân nối tiếp thực hiện, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống vốn có. Nó đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sức sống, ý chí của ngư dân các làng chài. Mỗi vùng quê tổ chức “mở biển” có khác nhau, nhưng điểm chung của các nghi lễ là đều được thực hiện trang nghiêm và linh ứng, cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Sau các hoạt động thực hành nghi lễ là phần hội với những trò chơi dân gian truyền thống mang đậm sắc thái làng chài như đua ghe, lắc thúng, kéo co... Những hình thức diễn xướng đặc trưng vùng miền như: hò đưa linh, diễn tuồng, múa bả trạo,...

Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi sau lễ “mở biển” mồng 2 tết Kỷ Hợi - ảnh VietTimes

Với ngư dân, ngày “mở biển” vô cùng quan trọng bởi những chuyến đi biển đầu năm bao giờ cũng chở nặng ước mong của cả dân làng, mong trời yên biển lặng, tàu thuyền đánh bắt được nhiều cá, tôm. Sau các lễ nghi và tiếng trống khai hội, hàng ngàn tàu cá cùng ngư dân vươn cao cờ Tổ quốc, hướng ra biển với khí thế tưng bừng trong mùa đi biển mới. Thông qua tục lệ “mở biển”, cùng với đức tin vào những vị thần biển luôn bên cạnh phù trợ, ngư dân như càng được tiếp thêm sức mạnh trong công cuộc chinh phục biển khơi, bảo đảm hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản. Đồng thời, chính tàu thuyền và ngư dân trên biển là những cột mốc chủ quyền, góp phần giữ vững các vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

ĐÁNH CÁ ĐÚNG LUẬT

Hiện nay, tất cả ngư dân đều biết “thẻ vàng” mà EU đã áp dụng cảnh báo ngành hải sản Việt Nam chưa được gỡ bỏ. Vì vậy, việc mở biển ra khơi phải luôn gắn với trách nhiệm. Đó là phải tuân thủ các quy định khai thác hợp pháp trên các vùng biển Tổ quốc. Trách nhiệm mà hầu như ngư dân nào cũng nhận thấy rõ là làm sao để ngay từ chuyến biển đầu năm, tất cả tàu thuyền phải đánh cá, khai thác hợp pháp, để từ đó ngư dân cùng với nghề cá Việt Nam nỗ lực thoát khỏi “thẻ vàng” của EU. Chuyến đi biển dù có nhiều cá nhưng nếu không chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp thì sẽ không bán được. Cũng vì vậy, mong ước 1 năm biển cho nhiều hải sản đã gắn liền với những điều mà giờ đây đang dần trở nên quen thuộc với ngư dân, đó là quyền lợi phải luôn song hành với trách nhiệm. Ngư dân ai cũng đồng tình việc các ngành chức năng không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các chủ tàu khi giấy phép không còn hạn ngạch, không lắp và không mở thiết bị giám sát hành trình, không nộp nhật ký khai thác, không khai báo vùng biển đánh bắt. 

Trong thời kỳ hội nhập, sản phẩm có nguồn gốc đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng, nhất là đối với hải sản lại càng quan trọng khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Vì vậy, mỗi chủ tàu cá cần phải tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký, đăng ký, trình báo nguồn gốc đánh bắt các loại hải sản cùng ngư trường khai thác trên biển, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế, cũng như hạn chế tình trạng một số tàu cá sử dụng ngư cụ đánh bắt tận diệt. Bên cạnh đó, các quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp cũng sẽ tạo nên một tập quán làm ăn văn minh, tiến bộ hơn cho ngư dân. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản cũng sẽ ngày càng yên tâm hơn trong việc sử dụng, thu mua nguyên liệu hải sản. Bởi lẽ, sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm chất lượng, rõ về nguồn gốc, xuất xứ trước khi đưa vào chế biến để đáp ứng các yêu cầu quản lý kiểm tra một cách chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111372

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu