Thứ 4, 24/04/2024 13:00:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:49, 20/06/2013 GMT+7

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật

Thứ 5, 20/06/2013 | 08:49:00 3,609 lượt xem

lĐiều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên xem ra chưa trúng, chưa đúng và không ổn. Cụ thể là trong xã hội ngày nay, không chỉ có hai giới tính được phân biệt rõ là nam và nữ mà còn có những người giới tính không rõ ràng. Và không phải chỉ riêng ở nước ta, mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều có những người không phải giới nam, nhưng họ cũng không phải giới nữ. Vì vậy, nếu trong dự thảo quy định như trên thì những người có giới tính không rõ ràng sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp về vấn đề này.

Vì vậy, tôi đề nghị Điều 27 cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là thêm từ “mọi” vào trước cụm từ “công dân” và từ “đều” sau cụm từ “công dân”. Vì “mọi công dân” đã bao hàm cả nam, nữ và người không phải nam, không phải nữ. Hơn nữa, ở Khoản 3 của điều này là một chế tài: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”, nên sử dụng cụm từ “mọi công dân” là đúng và ổn nhất. Đồng thời, trong Khoản 1 cần bỏ từ “mọi” ở trước từ “mặt”, bỏ cụm từ “nam, nữ”, ở Khoản 2 bỏ từ “mọi” ở đầu câu để thay vào đó là từ “các” và bỏ cụm từ “nữ và nam”. Như vậy, Điều 27 sẽ được viết lại như sau: 1. Mọi công dân đều bình đẳng và có quyền ngang nhau về mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa các công dân trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

lTại Khoản 3, Điều 85 (sửa đổi, bổ sung Điều 98) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định. Vẫn biết rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta và đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân nên có quyền được biết về những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh. Nhưng nếu những thông tin liên quan đến quốc phòng - an ninh quốc gia hoặc những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều người hoặc nhiều quốc gia (như những vụ án lớn về ma túy, buôn lậu, trốn thuế...) và đang trong quá trình điều tra, mà cơ quan chức năng vẫn phải cung cấp thông tin thì sẽ không ổn.

Trong khi đó, ở điều này lại không có chế tài đối với việc đại biểu Quốc hội để lọt, lộ thông tin. Xuất phát từ quan điểm trên tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung cần thiết để tránh tình trạng thông tin bí mật bị lộ, lọt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tài sản của Nhà nước, tính mạng của nhân dân... Cụ thể là ở Khoản 3, Điều 85 sẽ được viết lại như sau: 3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (trừ lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia). Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.

lTại Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Theo tôi, với nhóm quyền này thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Ngày nay, phản biện cũng đã trở thành quyền không thể thiếu trong đời sống xã hội. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước ta đã và đang khuyến khích mọi công dân tích cực hiến kế, đóng góp ý kiến để các chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy hiệu quả cao. Vì thế, tôi đề xuất ở điều này cần bổ sung thêm quyền phản biện xã hội cho công dân. Cụ thể là bổ sung cụm từ “phản biện xã hội” vào trước cụm từ “có quyền”.

Tuy nhiên, nếu chỉ với nội dung như trên thì đây cũng mới chỉ là những quy định về quyền của công dân, chứ chưa có những quy định về trách nhiệm của Nhà nước để công dân thực hiện đầy đủ những quyền này. Vì vậy, tôi đề xuất ở điều này cần được bổ sung thêm nội dung như sau: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền này”. Như vậy, Điều 26 được viết lại như sau: Công dân có quyền phản biện xã hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền này.  

Hòa Bình (Lộc Ninh)

  • Từ khóa
108223

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu