Thứ 5, 28/03/2024 20:28:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:36, 17/11/2017 GMT+7

Mong có một diễn đàn như thế!

Thứ 6, 17/11/2017 | 08:36:00 148 lượt xem

BP - Sau sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công “Diễn đàn xuất khẩu thịt heo Việt Nam” vào ngày 20-10 vừa qua, thì 10 ngày sau, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam tổ chức tọa đàm “Kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk”. Việc tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm được dư luận đánh giá là bước đi kịp thời, cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương này. Theo dõi sự kiện đã nêu, nhiều nông dân trong tỉnh đang mong muốn Bình Phước sớm có hội nghị chuyên đề về chăn nuôi để đưa ngành phát triển xứng tầm với tiềm năng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ở khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk có khoảng 1,3 triệu ha đất tự nhiên. Với điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, những năm qua ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đắk Lắk đã có những bước phát triển khá mạnh, với tổng đàn 1,1 triệu con gia súc và gần 10 triệu con gia cầm các loại, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng ở địa phương này. Vì vậy, tại buổi tọa đàm, các đại biểu, chủ doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã hiến nhiều kế hay cho tỉnh Đắk Lắk về mô hình phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ cao trên cơ sở phát huy tiềm năng đồng cỏ, tận dụng hệ sinh thái dưới tán rừng. Đặc biệt, việc nhân rộng mô hình trồng cỏ để phát triển đàn bò, trại heo theo hộ gia đình, đa dạng hình thức chăn nuôi tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống khu dân cư nông nghiệp.

Bình Phước có tổng diện tích đất tự nhiên gần 688 ngàn ha cùng nhiều ưu đãi về khí hậu nên trong những năm qua ngành chăn nuôi cũng đã có bước phát triển đáng kể. Theo thống kê, tổng đàn gia súc ở Bình Phước khoảng 610 ngàn con, trong đó đàn heo khoảng 570 ngàn con. Bình Phước có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm phát triển đàn heo, mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc... Nhờ đó, đến nay ở Bình Phước đã có hàng trăm trang trại chăn nuôi gia súc, riêng đàn heo có 230 trang trại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi ở tỉnh ta còn khó khăn, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Ví như đầu năm 2017, hàng chục hộ nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương (Bình Long) điêu đứng vì sản phẩm không tiêu thụ được. Người nuôi heo ở Bình Phước cũng đang nan giải tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, sự kiện giải cứu thịt heo thời gian qua cho thấy chăn nuôi ở nước ta rất bấp bênh, phụ thuộc mạnh vào thị trường bên ngoài và chưa có sự liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến.

Vì vậy, người dân, nhất là những hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất mong Bình Phước sớm có một hội nghị hay tọa đàm để mời gọi các nhà khoa học hiến kế giúp tỉnh phát triển chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thông qua đây, các doanh nghiệp chế biến và người chăn nuôi có thêm cơ hội giao lưu, ký kết hợp tác làm ăn và là cơ sở để người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là điều kiện để Bình Phước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 25-4-2017 của Tỉnh ủy về “chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020”.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu