Thứ 5, 09/05/2024 04:27:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:07, 17/02/2016 GMT+7

Mong mỏi sự yên bình trong mùa lễ hội

Thứ 4, 17/02/2016 | 08:07:00 129 lượt xem

BP - Tết Nguyên đán đã đi qua, khắp nơi trên đất nước ta lại tưng bừng bước vào mùa lễ hội. Lễ hội của người Việt mang nhiều ý nghĩa, sắc thái khác nhau tùy theo đặc điểm của từng địa phương, từng vùng miền, từng dân tộc. Nhưng mục đích, ý nghĩa của các lễ hội đều thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, thượng võ, ước mong mưa thuận gió hòa, một năm mới an lành, mùa màng bội thu...

Đây cũng chính là những cốt cách cao đẹp, truyền thống yêu nước, chung sống chan hòa với thiên nhiên của người Việt Nam. Vì vậy, cho dù có bận rộn đến mấy người dân cũng sắp xếp thời gian để đến với các lễ hội. Bởi lẽ, tham gia lễ hội là về với những giá trị của dân tộc, để hưởng cái yên bình tươi vui, rộn ràng của muôn tiếng cười. Đây chính là nét đẹp trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam. Nét đẹp văn hóa trong lễ hội sẽ còn đẹp hơn nữa nếu không có những hành vi thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người làm hoen ố, xấu đi hình ảnh văn hóa trong các lễ hội. Những hình ảnh không đẹp trong lễ hội, nhất là các lễ hội dài ngày, thu hút đông đảo người dân đến tham gia đã được phương tiện truyền thông phản ánh và hầu như năm nào cũng xảy ra mà chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Ngày 19-1-2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 155/BVHTTDL-VHCS về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016 gửi đến tất cả địa phương. Theo đó, các sở, ngành trực thuộc bộ không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh. Với những lễ hội lớn, thu hút đông người và kéo dài ngày, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các lễ hội phải có phương án phòng chống thiên tai, cháy nổ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách tham gia. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội..., bảo đảm cho lễ hội diễn ra an toàn, đúng với truyền thống văn hóa...

Qua theo dõi khai mạc các lễ hội xuân Bính Thân vẫn thấy cảnh chen lấn, xô đẩy nhau như ở hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh); cảnh tắc đường, nghẽn sông của lễ hội chùa Hương. Đặc biệt là hình ảnh hàng trăm thanh niên lao vào tranh cướp hoa tre tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) sáng mồng 6 tết... Chiều mồng 7 tết (14-2), nhiều hình ảnh không đẹp đã xảy ra tại lễ hội cướp phết ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), khi rất đông thanh niên dùng cả gậy gộc lẫn cú đấm để tấn công nhau...

Mặc dù một số nơi còn xảy ra những cảnh không đẹp nhưng khởi đầu mùa lễ hội năm nay được đánh giá là nghiêm túc hơn các năm trước. Các lễ hội lớn diễn ra khá suôn sẻ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Có nơi còn cử trinh sát mặc thường phục trà trộn vào lễ hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Người dân các tỉnh phía Nam rất muốn hành hương về miền Bắc để tham dự các lễ hội lớn, dài ngày nhưng vẫn còn nhiều lo lắng. Bởi nếu chính quyền địa phương sở tại buông lỏng quản lý, lơ là giám sát thì các hành vi tiêu cực lại sẽ xuất hiện. Phải làm sao để không xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong quản lý lễ hội để du khách hưởng trọn niềm vui khi về hòa chung trong những giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là mong mỏi của nhiều người đang có ý định hành hương về tham dự các lễ hội lớn trong mùa xuân Bính Thân này.

 Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu