Thứ 6, 26/04/2024 08:28:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:10, 24/07/2018 GMT+7

Một câu hỏi giản đơn

Thứ 3, 24/07/2018 | 07:10:00 100 lượt xem

BP - Buổi tiếp công dân sáng 17-7-2018, của Tổ đại biểu số 9 HĐND tỉnh với sự tham gia của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng đại diện cơ quan Thanh tra tỉnh và các cơ quan liên quan kéo dài tới... 13 giờ mới tạm nghỉ. Vì mọi người, từ cán bộ tiếp dân tới người dân đến trình bày nguyện vọng cần được nghỉ và “nạp năng lượng” để có sức tiếp tục làm việc. Và buổi tiếp công dân hôm ấy kéo dài tới tận 16 giờ mới kết thúc. Điều đáng nói là trong số 34 cá nhân, gia đình, đại diện nhóm hộ đến trụ sở tiếp công dân hôm đó thì 100% đều mang đến các vấn đề về đất đai và nhiều người từng đến trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội hoặc khu vực phía Nam nhiều lần. Nói như thế để thấy rằng, những vấn đề liên quan đến đất đai đang thực sự rất nóng.

Bản thân người viết cũng từng vài lần tham gia tiếp công dân theo quy định đối với đại biểu HĐND tỉnh nên hiểu rõ không khí ở những buổi tiếp dân bao giờ cũng nóng. Và buổi tiếp dân của Tổ đại biểu số 9 HĐND tỉnh, ngày 17-7 cũng vậy. 34 lượt cá nhân, gia đình, đại diện nhóm hộ đến, mang theo nỗi bất bình của bản thân, gia đình về nhiều vấn đề, chủ yếu là khiếu nại bồi thường, cấp tái định cư khi bị thu hồi đất; giải quyết tranh chấp đất giữa các hộ dân với nhau, giữa dân với các tổ chức của Nhà nước... 34 lượt tiếp công dân trong một buổi, mà ai cũng mang theo một tâm trạng bức xúc, sẵn sàng bùng nổ nên những người đại diện các cơ quan được phân công tiếp dân đều chú ý lời ăn tiếng nói để không “chọc” những người đang giận. Về phía người dân, khi mở cửa vào phòng đều bắt đầu bằng một vẻ cầu thị nhưng khi đại diện các cơ quan chức năng giải thích từng vụ việc, hướng dẫn quy trình và cách thức thực hiện quyền công dân, họ đều nổi nóng và có những lời lẽ nặng nề quy kết cán bộ. Có người đập bàn, có người vừa nói vừa khóc, có người mạt sát cán bộ “bao che nhau”...

Bên hành lang của phòng tiếp dân, những người chưa đến lượt sốt ruột đi đi lại lại bên ngoài trước sự cảnh giác của các chiến sĩ công an bảo vệ, bởi từng xảy ra trường hợp có người không kiềm chế được đã xông vào phòng làm việc và có những hành vi, lời nói thóa mạ cán bộ tiếp dân. Dù ở cấp nào, công tác tiếp dân luôn giữ vai trò tiếp nhận thông tin từ nhân dân, phân loại và chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết chứ người tiếp dân không thể trực tiếp giải quyết từng vụ việc. Thế nhưng rất ít người dân hiểu rõ điều đó. Họ đến, mang theo bức xúc dồn nén lâu ngày và những người tiếp công dân trở thành nơi người dân trút giận. Họ không đủ kiên nhẫn và sự tỉnh táo để nghe hướng dẫn. Họ chỉ thấy mình quá khổ vì sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền. Thực tế là có những vụ việc rất phức tạp, dù thấy rõ người khiếu nại bị oan ức nhưng do những thay đổi về chính sách hoặc đã quá lâu, không tìm được người làm chứng nên không có cơ sở giải quyết. Thế nhưng có những vụ việc rất đơn giản lại phải chờ đợi rất lâu vẫn không giải quyết được. Sự chờ đợi luôn khiến người ta bị ức chế, mỏi mệt. Và khi bị ức chế thì sẵn sàng phát ngôn lung tung, thậm chí có những hành xử không đúng mực, gây khó khăn cho cơ quan tiếp công dân.

Có một câu hỏi mà bất cứ người dân nào khi bước ra khỏi phòng tiếp công dân đều hỏi người chủ trì: chờ đến bao giờ? Nhưng để trả lời câu hỏi rất giản đơn ấy cần sự vào cuộc một cách tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan liên quan chứ không chỉ của cán bộ tiếp dân.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu