Thứ 5, 18/04/2024 12:39:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:03, 21/05/2014 GMT+7

Những nông dân sản xuất giỏi

Thứ 4, 21/05/2014 | 09:03:00 191 lượt xem

Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập là hướng làm giàu của nhiều hộ dân hiện nay.

Dùng cá làm phân bón

Ông Nguyễn Tấn Lực ở xã Minh Lập (Chơn Thành), người tiên phong trong thực hiện mô hình trồng tiêu thân thiện với môi trường, không sử dụng phân hóa học. Hiện ông Lực có hơn 3.000 nọc tiêu, trong đó gần 1.300 nọc đã cho thu từ nhiều năm, số còn lại mới hơn một năm tuổi. Ông Lực cho biết, trước đây tiêu của gia đình ông thường xuyên bị các loại bệnh, đã dùng nhiều thuốc đặc trị. Ông bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân, phương pháp chữa trị và nhận ra việc lạm dụng phân hóa học là nguyên nhân chính dẫn đến cây tiêu mất sức đề kháng, hay bị các loại bệnh, giảm tuổi thọ.

Thùng ủ cá làm phân của gia đình ông Lực

Qua học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, ông Lực tìm ra loại phân bón thích hợp cho cây tiêu là sử dụng phân từ cá. Để có phân cá bón cho cây, ông Lực mua 2 thùng nhựa loại 500 lít, sau đó mua khoảng 500kg cá biển về ủ lên men trong 1 tháng, lấy nước cá tưới cho cây tiêu. Với phân cá mỗi năm bón cho cây tiêu từ 6 đến 7 lần.

Ông Lực cho biết, hơn 1.700 nọc tiêu mới trồng của gia đình bón bằng phân cá, tiêu phát triển rất nhanh, lá xanh tốt quanh năm, ít bệnh. Những trụ tiêu nhiều năm tuổi sau khi được bón phân cá như hồi sinh trở lại, ra nhiều trái hơn. Việc bón phân này còn tiết kiệm được khoảng 50-60% chi phí đầu tư so bón phân hóa học.

Nhờ cách làm này mỗi năm gia đình ông Lực thu từ 700 đến 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

 Đa canh mô hình sản xuất

Bà Nguyễn Thị Thanh Tơ ở xã Tân Quan (Hớn Quản) là người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình kết hợp như: Nuôi gà, lươn, cá trê, heo và trồng mít thái, cao su cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Năm 2001, bà Tơ đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà. Nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng như kinh nghiệm từ những lần đi tham quan học hỏi mà trại nuôi 30 ngàn con gà tam hoàng của bà luôn phát triển ổn định. Bà Tơ cho biết, chọn nuôi gà tam hoàng vì loại này sinh trưởng nhanh, chỉ cần 2 tháng có thể xuất chuồng với trọng lượng 2-3kg.

Đa số các hộ kinh doanh khác thường nuôi gà trong môi trường kín, còn bà đầu tư chuồng trại mở, môi trường thông thoáng. Nhờ vậy gà thích nghi được mọi thay đổi của thời tiết nên ít dịch bệnh. Để đảm bảo đầu ra ổn định, bà liên kết với các công ty chuyên mua gà thịt.

Cuối năm 2013, bà Tơ tiếp tục đầu tư xây dựng hồ nuôi cá trê, lươn. Bà Tơ cho biết, nuôi cá trê và lươn rất đơn giản, chỉ cần cung cấp đủ thức ăn và thay nước thường xuyên là chúng phát triển rất nhanh. Theo bà Tơ, sau 3 tháng nuôi cá trê có thể đạt từ 1 đến 1,5kg/con, lươn khoảng 5 con/kg. Tất cả sản phẩm này đều được bao tiêu toàn bộ.

Bà Tơ còn chăn nuôi thêm heo. Đàn heo của bà luôn duy trì hơn 600 con. Ngoài chăn nuôi, bà còn trồng khoảng 0,7 ha mít thái và hơn 3 ha cao su đang cho thu hoạch. Với những bước đi táo bạo, mô hình kinh tế tổng hợp của bà Tơ không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.       

 T.Thông

  • Từ khóa
39476

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu