Thứ 6, 19/04/2024 06:49:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:28, 27/01/2015 GMT+7

Một đề xuất đáp ứng mong muốn của người dân

Thứ 3, 27/01/2015 | 08:28:00 103 lượt xem

BP - Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-1-2015, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Chính quyền địa phương. Việc đề xuất “dân bầu trực tiếp chủ tịch phường” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được báo chí đăng tải đã thu hút sự quan tâm, bàn luận sôi nổi của các tầng lớp nhân dân. Theo ý kiến của nhiều người dân, phường, xã, thị trấn là cấp chính quyền cơ sở rất quan trọng, vì hàng ngày, hàng giờ luôn phải tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhân dân. Ngược lại, người dân tại địa phương hiểu rất rõ năng lực, phẩm chất, đạo đức của từng cán bộ cấp xã.

Trong những năm qua, sự đóng góp của chính quyền cơ sở đã được nhân dân ghi nhận. Tuy vậy, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật, chúng ta thấy rằng ở nhiều nơi người dân vẫn còn kêu ca không ít về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, chậm trễ giải quyết việc cho dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp cơ sở. Làm sao để chính quyền cơ sở thực sự là “của dân, do dân và vì dân” luôn là sự mong đợi của mọi người. Nếu ở cấp cơ sở có một “thủ lĩnh” đức, tài vẹn toàn thì bộ máy hành chính sẽ vận hành tốt hơn, vì vậy việc lựa chọn người đứng đầu ở đây rất cần thiết để dân bầu chọn trực tiếp bằng lá phiếu của mình.

Chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã đã có từ năm 2008 và được Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) khẳng định về yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã dự kiến thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã ở một số tỉnh, thành với tỷ lệ khoảng 4% số xã của cả nước. Thời gian thí điểm từ năm 2009, đến 2011 tổng kết việc thí điểm, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Hiện đất nước ta đã và đang thi hành Hiến pháp 2013 trên cơ sở xây dựng chính quyền theo nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vì vậy, Luật Chính quyền địa phương phải thể hiện được vấn đề thực thi các định chế dân chủ phù hợp với Hiến pháp. Theo đó, việc thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở mà cụ thể như đề xuất của Chủ tịch Quốc hội là việc làm cần thiết mà yêu cầu của cuộc sống đang đặt ra.             

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu