Thứ 7, 20/04/2024 14:11:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:52, 27/10/2019 GMT+7

Một đời vì dân, vì nước

Chủ nhật, 27/10/2019 | 09:52:00 336 lượt xem

BP - Năm 1921, khi cụ Huỳnh Thúc Kháng ra khỏi nhà tù thì tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi. Chính phủ bù nhìn Nam triều và thực dân Pháp, nhất là toàn quyền Pasquier nhiều lần tìm cách mua chuộc lôi kéo cụ ra công tác với chúng nhưng cụ thẳng thắn cự tuyệt. Phan Châu Trinh ở Pháp về Sài Gòn, cụ Huỳnh có vào thăm và vĩnh biệt. Năm 1926, thực dân Pháp cải tổ Hội đồng tư vấn bù nhìn tróc sơn thành Viện dân biểu Trung kỳ để dễ tiếp tục thực hiện chính sách mị dân. Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử với tư cách người đứng giữa 2 phái trí thức cựu nho (nho học) và tân học (tây học).

Các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được cử tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, ngày 3-11-1946. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (ngoài cùng bên phải, hàng đầu tiên) được giao trọng trách Bộ trưởng Nội vụ - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cụ trúng cử và giữ chức Nghị trưởng. Hoài vọng của cụ là sử dụng viện dân biểu này như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải cải cách dân chủ, mở rộng chính sách cai trị, bảo vệ quyền lợi dân tộc. Nhưng Viện dân biểu do Pháp nặn ra này chỉ là tổ chức bù nhìn, một chiêu bài phục vụ chúng nên thời gian cụ Huỳnh làm Viện trưởng, những xung đột của cụ và nhà cầm quyền thực dân diễn ra ngày càng gay gắt, biểu hiện thành các vụ xung đột. Xét thấy không thể tiếp tục đấu tranh nghị trường  với thực dân, cụ Huỳnh khảng khái từ chức năm 1928.

Thời gian cụ làm Viện trưởng dân biểu theo sự ủy thác của cụ Phan Bội Châu và các đồng nhân, cụ Huỳnh đứng ra tổ chức tờ báo Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên ở miền Trung, do cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, số đầu tiên ra ngày 10-8-1927. Từ đây đến ngày 28-4-1943, khi bị đóng cửa, Báo Tiếng Dân với nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần vào việc giáo dục quần chúng đấu tranh công khai tố cáo chính sách thống trị của Chính phủ Pháp, vạch mặt bọn Việt gian cùng những thủ đoạn mị dân của chúng, đòi hỏi dân chủ dân sinh. Trong không khí ngột ngạt của kinh đô Huế và toàn xứ Trung kỳ, tờ báo là một làn gió mát rất được độc giả hoan nghênh.

Từ năm 1940, phát xít Nhật đặt chân đến Việt Nam, thực dân Pháp đầu hàng. Để thành lập một chính quyền tay sai bản sứ phục vụ mưu đồ Đại Đông Á, biết cụ Huỳnh có uy tín lớn trong nhân dân, bọn Nhật nhiều lần tìm cách mời cộng tác, lấy danh nghĩa Cường Để viết thư cho cụ để dụ dỗ cụ Huỳnh ra làm việc với Nhật nhưng trước sau cụ vẫn một mực cự tuyệt. Năm 1943, Nhật, hất cẳng Pháp, Bảo Đại đứng đầu chính phủ bù nhìn lại mời cụ Huỳnh ra thành lập Nội Các, cụ Huỳnh chẳng những từ chối mà còn viết thư thẳng thắn khuyên Bảo Đại thoái vị giao quyền cho nhân dân. Những chiêu bài “Việt Nam độc lập” mà phát xít Nhật dựng lên đã bao lần không đánh lừa được cặp mắt tinh đời đã rèn luyện lâu dài trong đấu tranh chính trị công khai của cụ.

Chỉ đến mùa thu năm 1945, nhân dân ta làm cuộc Cách mạng tháng Tám, cụ Huỳnh Thúc Kháng mới nhìn thấy độc lập thật sự, cụ mới sung sướng thật sự. Trong ngày giỗ lần thứ 5 cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh nói: “Ất Dậu trước (năm 1885) đến Ất Dậu này (năm 1945) thật khác xa. Trước là kinh thành thất thủ, là mất nước, nay là cách mạng, là giải phóng. Cái hoài bão của hai cụ đến đây rõ là được thực hiện. Cụ Sào Nam thì dân tộc chủ nghĩa, cụ Tây Hồ thì dân chủ chủ nghĩa. Đời tôi đến đây thấy được cái kết quả mà bình sinh hai cụ mong ước, như thế là được rồi”.

Hào hứng trước vận hội mới của dân tộc, khát khao đóng góp phần tâm lực cuối cùng cho quê hương đất nước, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mời tham gia chính phủ liên hợp kháng chiến nên tuy tuổi đã “cổ lai hy”, cụ Huỳnh vẫn nhiệt tình nhận chức Bộ trưởng Nội vụ. Tháng 6-1946, Hồ Chủ tịch đi Pháp cử cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Thời gian này, cụ Huỳnh có những đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước còn mới mẻ và xử lý đúng đắn mọi vấn đề, nội chính, ngoại giao. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ cuối năm 1946, Chính phủ Trung ương cử cụ đi kinh lý miền Trung. Trên đường công tác đến Quảng Ngãi, cụ bị ốm nặng. Tuổi cao sức yếu, biết mình không qua khỏi, cụ bình tĩnh gửi điện vĩnh biệt Hồ Chủ tịch, chào anh em binh sĩ và anh em các đảng phái tôn giáo vào ngày 21-4-1947, thọ 71 tuổi.

Lời bàn:

Cụ Huỳnh Thúc Kháng suốt đời trung trinh gìn giữ tiết tháo của một nhà nho chân chính và chỉ biết lấy lợi quyền của người lao động là mục tiêu hành sự. Là một trí thức luôn ưu thời mẫn thế, cụ Huỳnh không bao giờ lảng tránh thời cuộc. Ngay khi còn trẻ, cụ đã tham gia phong trào Duy Tân năng nổ tới mức bị chính quyền thực dân Pháp đày ra Côn Đảo suốt từ năm 1908 tới năm 1921. Thoát vòng lao lý, mặc dù nhận thức được rất rõ ràng những mối hiểm nguy của con đường đấu tranh công khai với cường quyền, nhưng cụ vẫn không chịu bó tay trên cương vị Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ, vẫn trước sau như một giữ thái độ khảng khái vì dân, vì nước.

Sinh thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng rất tâm đắc với câu danh ngôn của nhà bác học người Pháp là Pasteur, rằng: Đạo lý vẫn không có quê hương, mà nhà học giả phải có một cái quê hương. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sống, làm việc cả đời cho quê hương Việt Nam, cho đồng bào mình. Tấm gương sáng của nhà nho tiết tháo, thức thời và luôn tận tụy với quyền lợi của người dân, với “Tiếng dân”, cuộc đời cũng như sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ còn sáng soi mãi mãi cho các thế hệ hậu sinh.

N.D

  • Từ khóa
110249

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu