Thứ 7, 20/04/2024 21:13:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:55, 17/08/2016 GMT+7

Một giấc chiêm bao

Thứ 4, 17/08/2016 | 15:55:00 255 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 3 năm Giáp Tuất (1394), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chiêm bao thấy vua Trần Duệ Tông đem quân đến rồi đọc bài thơ và thượng hoàng đã tự mình chiết tự mà đoán rằng: Xích chủy (kẻ đỏ mõm) là Quý Ly; lầu Bạch Kê là thượng hoàng, vì ông sinh năm Tân Dậu (1321); Khẩu vương là chữ quốc, nghĩa là nước, ở ngoài có chữ khẩu, trong chữ khẩu là chữ vương; còn câu cuối cùng ý nói việc nước còn mất thế nào, đến sau mới rõ được.

Từ đó, thượng hoàng suy nghĩ về giấc chiêm bao này nhiều lắm. Vào mùa hạ, sau hội thề ở đền thờ thần núi Đồng Cổ vào ngày 4-4 hằng năm, Trần Nghệ Tông gọi Quý Ly vào cung và bảo rằng: Bình chương (chỉ Hồ Quý Ly vì lúc ấy Quý Ly là Đồng bình chương sự) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, nếu giúp được quan gia thì giúp, còn nếu như quan gia hèn kém ngu muội quá thì khanh cứ nhận lấy ngôi vua.

Minh họa: S.H

Quý Ly bỏ mũ, rập đầu khóc lóc từ tạ, chỉ trời vạch đất thề rằng: Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần... Lúc Linh Đức Vương làm điều thất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì thần đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được tới ngày nay. Thần dù tan xương nát thịt vẫn chưa thể báo đáp được một trong muôn phần ân đức đó, dám đâu lại có lòng khác?

Sử sách ghi rằng, lời thề của Hồ Quý Ly với Thượng hoàng Nghệ Tông là vào năm Mậu Dần (1398). Và theo sử liệu thì thấy rõ rằng, Hồ Quý Ly thực hiện lời thề của mình bằng việc để cho vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của Quý Ly) ở ngôi 10 năm (1388-1398), rồi lại để cho vua Trần Thiếu Đế (tức Thái tử An trước kia, cũng là cháu ngoại của Quý Ly) ở ngôi 2 năm (1398-1400)... Sau đó, không thể kiềm chế được tham vọng tột cùng độc chiếm ngôi báu, Hồ Quý Ly mới ra tay.

Về việc này, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết: Mùa xuân năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho Thái tử An. Hồ Quý Ly vốn có ý cướp ngôi, nhưng vì đã trót thề với Nghệ hoàng nên sợ trái lời, bèn ngầm sai một người đạo sĩ tên Nguyễn Khánh ra vào cung, thuyết phục nhà vua: Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần. Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên (ý nói là chưa tu theo đạo giáo). Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ (tức ngôi vua) nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng hãy truyền ngôi cho Đông cung (tức Thái tử An) để giữ khí hư hòa.

Vua Thuận Tông nghe lời và Nguyễn Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo đến cõi tiên. Hồ Quý Ly làm cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Đại Lại (tên một ngọn núi ở Thanh Hóa, gần Tây Đô), rồi mời nhà vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho Thái tử An. Tờ chiếu nhường ngôi đại khái nói: Trẫm sớm mộ huyền phong, không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc (xe riêng của thiên tử). Trẫm đức kém mà lạm giữ ngôi cao, thực khó lòng kham nổi. Huống chi, tâm bệnh của trẫm thường hay phát ra, việc tông miếu và chính sự do đấy đều bị trở ngại. Trước có lời thề, trời đất quỷ thần đều đã nghe, nay phải nhường ngôi để giữ mãi cơ đồ to lớn. Thái tử An hãy lên ngôi hoàng đế. Phụ chính thái sư Quý Ly hãy lấy danh nghĩa Quốc tổ mà giữ quyền nhiếp chính. Trẫm tự làm Thái thượng nguyên quân hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa ý nguyện từ trước.

Vào thời điểm ấy, Thái tử An mới lên 3 tuổi đã phải nối ngôi, xưng là Trần Thiếu Đế. Hồ Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương, bản văn thì đề là Trung thư, Thượng thư Sảnh phụng nhiếp chính, Cai giáo hoàng đế thánh chỉ... Cho tới ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400) thì tôn thất nhà Trần cùng các quan văn võ dâng biểu tôn Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Nhưng sau đó chưa đầy một năm, vào tháng chạp, Hồ Quý Ly lại nhường ngôi cho con là Thái tử Hán Thương để làm Thái thượng hoàng.

Lời bàn:

Các sử gia đương thời nhận định rằng, Trần Nghệ Tông là người có tính hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ; nhưng uy vũ lại không đủ để đánh lui giặc ngoài, sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm. Vì thế cho nên cái chết của vua Trần Duệ Tông là bước ngoặt lớn đối với nhà Trần thời hậu kỳ. Bởi khi ấy, vua anh Trần Nghệ Tông nhu nhược, vốn hoàn toàn dựa vào ông và sau khi ông mất lại hoàn toàn dựa vào Hồ Quý Ly khiến cơ nghiệp nhà Trần suy sụp. Nếu vua Trần Duệ Tông không chủ quan sớm bỏ mạng thì nước Đại Việt ít ra có thể giảm thiểu được họa Chiêm Thành trong những năm tiếp theo và chừng nào còn ông, Quý Ly khó trở thành quyền thần mà thao túng triều đình. Và đó là hậu quả thất bại mang tính hệ thống của nhà Trần.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thời nay thì thất bại mang tính hệ thống rất khó phòng ngừa và khắc phục, vì nó không phải là thất bại của từng phần. Ban đầu người ta vẫn thấy các bộ phận của hệ thống chỉ đang làm đúng nhiệm vụ, hoặc đang thực hiện mọi việc trong khuôn khổ cho phép. Đến khi nhận ra có chuyện gì đó không ổn, thì chúng ta lại thấy vấn đề ở khắp nơi trong hệ thống. Vấn đề này sinh ra vấn đề kia và vấn đề kia lại củng cố cho vấn đề này. Chính vì thế, sự sụp đổ của nhà Trần là không có gì chống đỡ nổi. Và đây là bài học hữu ích cho hậu thế, xin đừng ai chờ người báo mộng hay đợi nước đến chân rồi mới nhảy.

ND

  • Từ khóa
109826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu