Thứ 5, 25/04/2024 15:44:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:21, 28/01/2017 GMT+7

Một mùa xuân biên giới

Thứ 7, 28/01/2017 | 13:21:00 278 lượt xem

Truyện ký của Phan Đức Nam

BP - Trải qua những mùa xuân trong cuộc đời, nhưng có lẽ mùa xuân năm 1978 ở Lộc Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia đối với tôi là đáng nhớ nhất.

Đến bây giờ, mỗi khi xuân về, nhìn cánh én bay lượn hay thơ thẩn nhặt lá hai cây mai trước sân nhà, tôi đều bồi hồi nhớ lại những ngày cuối năm ấy. Tôi cứ nghĩ vơ vẩn, hoang mang trước sự may rủi, sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Tôi đặt ra những câu hỏi, rồi không thể lý giải được những sự việc diễn ra êm xuôi tự nhiên ấy là do xếp đặt của tạo hóa hay bởi sự tác động của con người? Để cuối cùng cũng như nhiều người, tôi cho là số mệnh.

Nếu những sự việc ấy tôi không được biết thì mùa xuân năm đó vẫn trôi qua bình yên, không có gì đặc biệt để tôi phải nhớ. Rồi tôi hóm hỉnh nghĩ: Ừ biết thêm là tốt, mà không biết thì mình đỡ phải suy nghĩ như bây giờ... Thôi thì tôi cứ kể chuyện này để có người cùng suy ngẫm...

Cuối năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam cực kỳ nóng bỏng, quân Pôn Pốt bất ngờ tràn sang Việt Nam tàn sát dân lành. Quân đội ta lập tức phản công, tình nguyện sang Campuchia trừ bọn diệt chủng. Đoàn văn nghệ quần chúng huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé được UBND huyện điều lên biên giới Lộc Ninh - Campuchia để phục vụ bộ đội và dân công hỏa tuyến. Tôi được cử làm trưởng đoàn, cùng hơn 30 anh chị em văn nghệ sĩ gồm nhiều bộ môn, mang theo dụng cụ biểu diễn chất đầy xe lên đường. Hai xe bảo vệ đi đầu và cuối. Xe của đoàn văn nghệ chúng tôi đi giữa cùng hàng chục xe khác. Xe cộ lúc đó cũ kỹ, hầu hết không còn kính chắn gió bụi - có xe đi là tốt rồi. Bụi mù đất đỏ miền Đông thì khỏi nói. Gần đến Chơn Thành, ai nấy lo mà che mặt mũi. Nhưng nỗi lo lớn nhất là khi đoàn xe xuyên qua những cánh rừng cao su vắng vẻ, chỉ sợ có bọn Pôn Pốt gài mìn hay phục kích... Trước khi đi, các tài xế nhận lệnh đổ đầy xăng và không được dừng lại ngoài sự cố. Nhưng xe phải đi chậm vì đường quá xấu, nhiều ổ voi, ổ gà, lắm đoạn đoàn xe gần như đàn bò nhởn nha đi trên đường. Lúc đó mọi người chỉ mong đừng có xe nào hư.

Xe qua cầu Hoa Lư, những anh bộ đội bảo vệ cầu vui vẻ vẫy tay chào. Một xe quân sự đang chờ đó để dẫn đường. Chợt có đàn két lớn bay qua, chúng kêu vang trời. Trong xe văn nghệ bật lên tiếng hát, thế là chúng tôi cùng hát vang những khúc nhạc mùa xuân.

Đoàn xe khởi hành từ 6 giờ sáng, vượt hơn 200 cây số đường đầy gian khổ và nguy hiểm rình rập, mãi gần tối mới đến được Bộ chỉ huy tiền phương của tỉnh Sông Bé. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, sung sướng để nguyên quần áo ào xuống sông Mê Kông tắm gội. Nước sông mát lạnh. Những vì sao chớm mọc trên cao lấp lánh theo tiếng cười đùa, hò hét. Tôi nhìn qua bên kia sông Mê Kông mênh mông đang chìm vào bóng tối, có một vùng sáng như ánh châu ngọc rực rỡ hắt lên. Sĩ quan hướng dẫn cho biết đó là thị xã Kratie của vương quốc Campuchia đang có lính Pôn Pốt đóng đầy.

Tiết xuân se lạnh, thêm nôn nao lòng người biên giới. Nghe tin có đoàn văn công đến nên bộ đội và dân công hỏa tuyến náo nức đón chờ. Một sân bãi rộng đã được dọn sẵn, chỉ chừa 4 cây lớn để căng phông màn làm sân khấu dã chiến. Chúng tôi ăn tối nhanh rồi triển khai phục vụ văn nghệ ngay.

Văn nghệ sĩ biểu diễn hết mình, khán giả say mê thưởng thức, nhiều người như muốn tràn lên sân khấu, chen lấn cả phía sau phông màn. Tôi làm trưởng đoàn và là tổng đạo diễn nên chạy qua chạy lại lăng xăng. Tôi phải nhờ thêm vài anh chị em phụ giúp mới tạm thời giữ được trật tự phía trước và sau sân khấu, mệt mà vui! Tối hôm sau, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi vẫn ở lại tiếp tục phục vụ. Sau những bản hùng ca, dân ca, là tình ca mùa xuân, những tràng vỗ tay kéo dài thêm chương trình biểu diễn.

Sáng hôm sau, ông Tư Hiệu - Trung đoàn trưởng cho người mời trưởng đoàn là tôi đến để chia tay. Vị tướng cao lớn có bộ râu quai nón lốm đốm bạc, ông mặc bộ quân phục bình thường, chẳng đeo quân hàm gì cả. Vị tư lệnh vừa rót nước vừa chậm rãi nói với tôi: “Cảm ơn đoàn văn công đã nhiệt tình phục vụ chiến sĩ. Hai buổi biểu diễn thành công. Vui nhất là an toàn phải không đồng chí?”. Tôi “dạ”. Chỉ huy nheo mắt cười rồi nói tiếp: “Chiến sĩ cũng phục vụ văn nghệ sĩ đó nghe”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu thì vị tướng bình dân gật gù mỉm cười, ông không gọi tôi là “đồng chí” nữa mà xuề xòa thân mật: “Chú em biết không? Ngay tối biểu diễn đầu tiên, chiến sĩ của đơn vị đã bắt được hai thằng Pôn Pốt”. Tôi giật mình! Ông gật đầu nói tiếp: “Trinh sát bảo vệ vòng ngoài, cả vòng trong, nhờ đó phát hiện sau phông màn có hai kẻ khả nghi. Lúc chú em ra sau can ngăn một số người chen lấn, chiến sĩ của tôi thấy một thằng rút dao dắt sau lưng áo ra, chắc nó tính đâm chú em nếu bị phát hiện... Cũng may, chú em chỉ đẩy nó ra rồi quay sang những người khác... Hà hà! Lúc đó gấp quá, chiến sĩ của tôi khi đó chưa biết có mấy thằng, liền tiếp tục theo dõi và cho người báo cáo. Tôi nhận được tin liền ra lệnh phải theo dõi kỹ xem có mấy thằng địch trong đó rồi nhanh chóng bắt. Không được bắn lỡ lạc đạn, chắc chắn tiếng nổ sẽ làm kinh động náo loạn, dễ đưa tới giẫm đạp nguy hiểm”.

Sáng xuân lạnh, tôi khoác áo gió mà toát mồ hôi, ấp úng: “Rồi sao... thủ trưởng?” - “Bắt nguội chớ sao. Êm ru. Trinh sát có nghề mà. Hai thằng Pôn Pốt lập tức bị đưa lên ban chỉ huy. 6 người chen lấn gần đó cũng bị thẩm tra nhanh”.

Tôi thở nhẹ... Trời ơi! Việc nghiêm trọng vậy mà mình không hề biết, nhiều người không biết. Tài thật! Mà ông chỉ huy râu quai nón này... coi chuyện đó... nhỏ xíu. Ông ta nói cứ như không...

“Hai thằng Pôn Pốt đó khai: Tối đó mỗi thằng một gùi, trong đó giấu mìn và súng AK báng xếp. Chúng được lệnh đánh sập Cầu Trắng nối Bình Long với Lộc Ninh. Hai đứa nghe tiếng nhạc, đàn hát hay quá nên ghé vô coi. Một thằng nói còn tính ra múa điệu lâm thôn... Hà hà! Văn nghệ hay thiệt. Hay thiệt! Cảm ơn đoàn văn công đã cứu Cầu Trắng. Mà cũng nhờ cái cầu đó mà đoàn văn công không bị ăn mìn đó nghe”.

Tôi chưa kịp hiểu hết ý chỉ huy thì ông cắt nghĩa: “Nó mà được lệnh đánh phá đêm văn nghệ thì mệt lắm!...”.

Tôi rùng mình! Ông nhìn tôi lắc đầu: “Tôi tính không kể việc này, sợ cả đoàn văn công lo lắng. Nhưng rồi tôi nghĩ nên nói với trưởng đoàn, để thêm con mắt cảnh giác cho những lần phục vụ sau”.

Tôi gật đầu cảm ơn. Vị tướng đứng lên tiến lại bàn làm việc, ông bê một túi khá to đã gói cột sẵn đưa cho tôi: “Đơn vị có chút quà tặng anh em ăn tết. Cảm ơn đoàn văn công nhiều nghe”.

Tôi cảm động nhận quà, líu ríu: “Tụi em... cảm ơn thủ trưởng mới phải...” - “Hà hà! Có gì đâu! Thùng mì tôm với vài cân đường. Còn cây hoa mai tôi mới lĩnh tiêu chuẩn tặng anh em hút chơi”.

Trước khi rời phòng ban chỉ huy, tôi mạnh dạn hỏi ông tướng râu quai nón: “Còn hai thằng Pôn Pốt... Tính sao thủ trưởng?...”. Ông cười: “Khai thác xong rồi, tôi cho chuyển tụi nó về Lộc Ninh, dặn giữ nó, rồi sau tha - tụi nó mê văn nghệ mà. À! Anh em ở những tiểu đoàn xa chưa được coi văn nghệ. Anh em nhớ cố gắng tới phục vụ nghe. Tiết mục văn nghệ hay lắm! Hay lắm!...”.

Ông nói xong nhìn ra sông Mê Kông mênh mông, đôi mắt chiến lược tinh anh bừng lên ánh nhân hậu.

P.Đ.N

  • Từ khóa
93203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu