Thứ 6, 29/03/2024 14:57:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:58, 28/10/2017 GMT+7

Một quy định bị phản hồi

Thứ 7, 28/10/2017 | 13:58:00 119 lượt xem

BP - Ngày 3-10-2017, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Sẽ không có gì đáng nói nếu công văn này không “đụng” đến một vấn đề khá nhạy cảm bằng quy định “Không dạy nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa”.

Ngay sau khi công văn được ban hành, đã có rất nhiều phản hồi của cả người trong ngành, ngoài ngành và phụ huynh, những người quan tâm đến giáo dục lên tiếng phản đối nội dung nêu trên. Ai cũng hiểu mục đích Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này là nhằm giảm tải chương trình học của học sinh, để các em bớt đi gánh nặng học hành khi bị “nhồi” cả những kiến thức không cần thiết. Dường như đã đủ thời gian để những người lãnh đạo cao nhất của Bộ GD-ĐT ngộ ra rằng, dù sách giáo khoa (SGK) là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học nhưng rõ ràng nhiều bộ SGK hệ phổ thông hiện hành, cả nội dung và hình thức đều bộc lộ sự lạc hậu, xơ cứng, thiếu tính thực tiễn và không tương thích với thời đại. Bởi thế, cần phải giảm tải, bỏ đi những kiến thức quá cũ, mang tính hàn lâm, không cần thiết trong SGK. Tuy nhiên, không thể từ cực này chuyển ngay sang cực kia như thế, giảm tải không có nghĩa là cấm tham khảo những kiến thức mới, bên ngoài SGK như Công văn số 4612 đã đề cập.

Được biết đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lên tiếng giải thích là do diễn đạt nội dung trong Công văn số 4612 đã gây hiểu lầm. Thế nhưng nhiều người cho rằng đó chỉ là động tác “chữa cháy”, bởi suốt nhiều năm qua, bộ này vẫn đang loay hoay tìm một hướng đi thích hợp cho giáo dục - đào tạo nước nhà. Đã có rất nhiều ý tưởng, chương trình, đề án phát triển giáo dục được đưa ra, từ việc cải cách chương trình giảng dạy, thay SGK đến cải cách thi cử... Tuy nhiên, rất hiếm khi giải pháp mới của Bộ GD-ĐT nhận được sự đồng tình của người dân và của chính cán bộ, nhà giáo trong ngành. Thậm chí có những chương trình, đề án mâu thuẫn nhau. Cụ thể là hiện nay, chúng ta đang triển khai dạy tích hợp kỹ năng sống. Nếu không đưa cả kiến thức ngoài SGK lồng vào thì sẽ dạy bằng cái gì? Trong SGK có đề cập gì nhiều tới kỹ năng sống đâu? Rồi khi dạy tích hợp liên môn, giáo viên phải lồng ghép các nội dung cần thiết vào những nội dung vốn có của một môn học. Thí dụ lồng ghép nội dung giáo dục dân số, giáo dục môi trường, bảo vệ sức khỏe, giáo dục tiết kiệm... vào nội dung các môn Địa lý, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Toán, ngoại ngữ, Giáo dục công dân... Rồi đến việc tổ chức thi học sinh giỏi các cấp, trong các đề thi bao giờ cũng có phần cơ bản và nâng cao để kiểm tra kiến thức học sinh nhằm phân loại được những em có kiến thức vượt trội. Bởi thế, việc Bộ GD-ĐT quy định cấm dạy nội dung ngoài SGK là hết sức vô lý.

Sự học là vô cùng, bể học là mênh mông, kiến thức nhân loại là vô tận. Đặc biệt, trong thời đại internet đã tràn ngập mọi nơi, việc giáo viên và học sinh tiếp cận công nghệ, chủ động tra cứu kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau để có thể so sánh, đối chiếu và trao đổi với nhau những kiến thức mới, thậm chí là phản bác những kiến thức đã cũ trong SGK hiện hành là việc bình thường. Bởi thế, việc Bộ GD-ĐT quy định “... tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa” là phản giáo dục.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
108745

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu