Thứ 7, 20/04/2024 15:14:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:28, 23/03/2018 GMT+7

Một quy định không cần thiết

Thứ 6, 23/03/2018 | 07:28:00 124 lượt xem

BP - Thông tư số 52/2017/TT-BYT, ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú chính thức có hiệu lực trong tháng 3-2018. Tại Khoản 3, Điều 6, thông tư này quy định: “Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc số căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ”. Theo giải thích của Bộ Y tế, ghi số CMND vào đơn thuốc là nhằm quản lý đơn thuốc và tránh lạm dụng kháng sinh.

Viện dẫn nêu trên là chưa chuẩn xác, bởi bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh do 2 nguyên nhân: Bác sĩ cho thuốc kháng sinh tràn lan và người bán không bán theo toa. Do đó, ngay khi thông tư ra đời, không chỉ các bậc cha mẹ mà nhiều y, bác sĩ cũng rất băn khoăn về việc làm này, bởi quy định nêu trên không mang đến lợi ích gì mà lại gây khó cho gia đình bệnh nhân. Nhất là trường hợp gia đình vội đưa trẻ đi chữa bệnh không mang theo CMND hoặc thẻ căn cước hay người đưa trẻ đi khám bệnh không phải là cha mẹ, người giám hộ của trẻ. Do thông tư có hiệu lực từ ngày 1-3-2018 nên theo quy định, hiện ở tất cả bệnh viện đều đang thực hiện. Tìm hiểu được biết, hầu hết các bậc cha mẹ đưa con đi khám, chữa bệnh không biết việc ghi số CMND của mình vào toa thuốc của con để làm gì?

Dư luận cho rằng, việc thực hiện quy định này chỉ gây thêm phiền hà cho cả người khám, chữa bệnh và gia đình bệnh nhân. Thực tế, tính pháp lý của toa thuốc khi có vấn đề thì người ký tên phải chịu trách nhiệm, còn ghi số CMND vào, nếu toa thuốc đó có sai thì ông bố hay bà mẹ cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Trường hợp con không may bị ốm phải đi khám bệnh gấp, trong khi nhà ở xa bệnh viện (chẳng hạn như đưa con từ Bình Phước về thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh), lại quên mang CMND thì đòi hỏi nêu trên là không phù hợp. Với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, dù cha mẹ không mang CMND khi đưa con đến khám, chữa bệnh, bác sĩ vẫn phải phục vụ. Không lẽ, thiếu CMND, con không được khám chữa bệnh?!

Ngoài ra, quy định phải ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của cha hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên toa thuốc, nhưng trường hợp cha hoặc mẹ, người giám hộ không có thì giải quyết như thế nào? Hoặc người đưa trẻ dưới 72 tháng tuổi đi khám bệnh nhưng không phải cha hoặc mẹ hoặc không phải là người giám hộ thì trên toa thuốc đó có ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của người này hay không? Việc khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi là việc làm thường xuyên do các cháu hay đau ốm. Khi đưa trẻ đi khám chữa bệnh không phải lúc nào cha hoặc mẹ, người giám hộ cũng mang theo giấy tờ tùy thân, trong trường hợp này, cha mẹ hoặc người giám hộ tự đọc số CMND hoặc số căn cước có thể sẽ không chính xác, ảnh hưởng đến việc tra cứu nhân thân người bệnh.

Mặt khác, trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, nội dung thẻ thể hiện đầy đủ các thông tin về tên người con, cha mẹ và địa chỉ. Do đó, trên toa thuốc chỉ cần thể hiện các thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế là đầy đủ. Trong trường hợp trẻ dưới 72 tháng tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ cũng có đầy đủ thông tin về người thân. Vì vậy, việc ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của cha hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên toa thuốc là không cần thiết, gây phiền hà không chỉ cho bác sĩ và người nhà bệnh nhân, ảnh hưởng đến quy trình khám chữa bệnh. Do đó, Bộ Y tế cần xem xét hủy bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đưa con đi khám, chữa bệnh.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu