Thứ 5, 18/04/2024 08:30:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:12, 30/09/2015 GMT+7

Một sự lãng phí rất lớn!

Thứ 4, 30/09/2015 | 14:12:00 87 lượt xem

BP - Theo thống kê, hiện cả nước còn 13 tỉnh chưa có trường đại học và phân hiệu đại học. Điều “may mắn” là Bình Phước còn nằm trong những tỉnh này. Nói “may mắn” bởi lẽ, năm học 2015-2016 đã được gần 1 tháng, nhưng không ít trường đại học, nhất là những trường ở tốp dưới vẫn loay hoay tuyển sinh mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Trong mùa tuyển sinh năm nay, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn vì rất ít người học. Thời gian gần đây, sinh viên trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp ra trường và đi tìm việc làm vô cùng gian nan, nhiều người không thể kiếm được việc, nhất là đúng ngành nghề của mình đã học.

Những ngày vừa qua, báo chí đã đề cập khá đậm nét về vấn đề tuyển sinh, phân tích sâu việc bùng nổ các trường đại học và những hệ lụy. Bằng chứng là số liệu báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại phiên họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 21-9-2015 cho biết: Cả nước có khoảng 200 ngàn người thất nghiệp trình độ đại học. Nói đúng hơn nên gọi họ là những người “có bằng đại học”, bởi sau khi tốt nghiệp họ không kiếm được việc làm, mà lý do quan trọng nhất là trình độ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thực tế cho thấy, cùng với những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoạt động cầm chừng, manh mún thì còn khá nhiều trường đứng tốp giữa, tốp dưới hay trường trực thuộc bộ, ngành, địa phương dù đã được đầu tư về cơ sở vật chất nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là họ không tạo được động lực phát triển ngành nghề, nghiên cứu khoa học, cũng như không bảo đảm đủ giảng viên có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nên không thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Việc có quá nhiều trường đại học và sự ế thừa nhân lực có bằng đại học là một sự lãng phí rất lớn. Trước hết, đó là sự lãng phí tuổi trẻ với những năm ngồi trên ghế trường đại học, trong khi những người này có thể cống hiến cho gia đình và xã hội bằng những việc làm khác thích hợp. Tiếp đó là chi phí của gia đình đầu tư cho họ trong suốt 4 năm học đại học là một con số không nhỏ, nhưng trong số đó có nhiều gia đình phải đi vay mượn và rồi mang nợ vì không có nguồn để trả. Chưa hết, với việc có quá nhiều trường đại học, cao đẳng mà cơ sở vật chất không khai thác hết đã gây lãng phí cho Nhà nước... Nếu nhìn ở góc độ xã hội, mỗi suất đào tạo ở bậc đại học nhà nước phải đầu tư bình quân 10 triệu đồng/người/năm (nhân với 4 năm) thì chi phí cho 100 ngàn cử nhân đã là 4.000 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. Đây là một con số không nhỏ!

Giáo dục là một lĩnh vực mà từ ngàn xưa dân tộc ta đã rất chú trọng. Vai trò của giáo dục đã thể hiện rõ trong thứ bậc giá trị xã hội của con người. Nhưng ngày nay, nền giáo dục của quốc gia nào cũng đều phải lấy yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Nếu có một số lượng lớn người học ra trường không xin được việc làm thì nội dung, phương pháp đào tạo của ngành giáo dục - đào tạo phải trả lời cho vấn đề này. Sự bất cập trong giáo dục, đào tạo phải chịu trách nhiệm lớn nhất, vì không đáp ứng được lĩnh vực chiến lược “quốc sách, hàng đầu” của Đảng và Nhà nước. 

Hà Thanh

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu