Thứ 6, 29/03/2024 01:44:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:17, 16/10/2015 GMT+7

Một tấm lòng trung

Thứ 6, 16/10/2015 | 10:17:00 315 lượt xem

BP - Cũng trong chuyên mục này, chúng tôi đã có dịp nhắc đến vị Phó tướng tài ba Nguyễn Đình Đắc - một nhân vật khá đặc biệt của lịch sử thời phong kiến. Ông xuất thân trong gia đình nông dân nghèo của một dòng họ công thần, trên một vùng quê địa linh nhân kiệt. Theo sách “Đại Nam thực lục”, thủy tổ của ông là tướng quân Nguyễn Xí - đại thần suốt bốn triều thời hậu Lê, người được vinh danh “Hai lần khai quốc”. Và chính vua Lê Thánh Tông đã ban tặng ông lời khen như sau: Bình Ngô khai quốc; Tịnh nạn trung hưng.

Tiếp đó, các bậc chư tổ của ông cũng là những người có công với triều đình, xã tắc và là đại thần, tướng lĩnh, quan lại... trong các triều vua Lê. Ông thừa hưởng tư tưởng “Trung quân ái quốc” của tiên tổ và các bậc tiền nhân. Với truyền thống của dòng họ Nguyễn công thần là trung thành với nhà Lê. Trong thời kỳ khủng hoảng chính trị xã hội đương thời, ông cố tìm cho mình một minh chủ để thực hiện khát vọng phục hưng nhà Lê. Và ông đã dấn thân vào cuộc nội chiến giữa các thế lực Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn với biết bao trận mạc, biến cố.

Theo dòng thời gian và sự kiện, ông khi ở bên này khi ở bên kia, nhưng dẫu ở bên nào thì ông cũng đều là một người giỏi cầm quân. Qua các trận chiến, ông đều tỏ ra là một vị tướng trí, dũng song toàn. Điều đặc biệt là dẫu đầu quân chiến đấu dưới ngọn cờ nào thì chí hướng nhất quán, xuyên suốt, dựa trên nền tảng tư tưởng “dĩ bất biến” của ông vẫn là phò Lê. Khi thấy chúa Trịnh lộng hành lấn lướt vua Lê, ông đã chạy vào phía Nam để tìm minh chủ và lực lượng để tiêu diệt chúa Trịnh, phò vua Lê. Nhưng khi vào Nam tham gia đội quân của triều Tây Sơn, ông sớm nhận ra chí hướng anh em Nguyễn Nhạc không có ý định phò Lê. Trong khi đó, với tầm nhìn của mình, ông những tưởng chúa Nguyễn Ánh là hậu duệ của Nguyễn Kim - một cựu công thần của nhà Lê - chắc có lý tưởng phò Lê thì ông đã đầu quân và 20 năm ròng rã hết lòng xông pha chiến đấu lập nên bao công trạng.

Trong những năm tháng tham gia trận mạc, ông hằng ấp ủ rằng, sau khi thời cuộc được bình định, giang sơn thu về một mối, chúa Nguyễn sẽ phục hưng nhà Lê. Nhưng rồi, thế cuộc không diễn ra như ông mong muốn. Đến ngày thắng lợi hoàn toàn, tháng 5-1802, khi ra Bắc mới tới địa đầu trấn Nghệ An - còn cách Thăng Long hơn 300 cây số - chúa Nguyễn Ánh đã xưng ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu là Gia Long, nhưng không đếm xỉa gì đến việc lập lại con cháu nhà Lê. Nhận rõ sự thật bất khả kháng đó, giấc mộng phò nhà Lê trong ông đã tan thành mây khói. Lòng ông trĩu nặng một nỗi buồn nhân thái - nỗi buồn của người thất cơ, lỡ vận, không thực hiện được chí hướng. Sau đó, ông không còn màng đến thế sự, xin được trở về sống nốt phần đời còn lại nơi quê cha đất tổ. Nhưng rồi thế sự cũng không buông tha ông. Ông bị vua Gia Long nghi ngờ, không tin dùng nữa. Từ xưa đến nay, trong dân gian ở vùng quê ông vẫn còn lưu truyền về cái chết của ông như một dư luận tồn nghi của lịch sử: Vua Gia Long đã dùng thuốc độc sát hại ông. Nhưng sau đó, chính vua Gia Long lại lệnh cho triều đình tổ chức lễ tang cho ông với những nghi thức điếu phúng linh đình. Song việc làm đó chẳng qua để xoa dịu dư luận xã hội đương thời và nhằm che đậy cho một hành vi mờ ám và tội lỗi mà thôi.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại trên đây cho thấy, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Đắc đã phản ánh trung thực về tâm tư của các bậc danh sĩ giàu lòng yêu nước, thương dân và tư tưởng hoài Lê lúc đương thời. Và chính các sự kiện trong cuộc đời đã tạo ra những bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời ông giống như là cái “ứng vạn biến”, nhằm phục vụ cho cái “dĩ bất biến” là khôi phục ngai vàng cho nhà Lê. Tiếc rằng, mong ước của ông không hợp thời nên chẳng những không thành công mà còn để lại một dấu ấn bi tráng. Nhưng suy cho cùng thì Phó tướng Nguyễn Đình Đắc cũng không sao tránh khỏi kết cục bi thảm của những khai quốc công thần triều nhà Nguyễn như: Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường... Âu đó cũng là một vấn đề có tính quy luật của lịch sử thời phong kiến. Vì ngai vàng chỉ có một mà công thần thì lại quá nhiều.

Vẫn biết rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết đầy bí ẩn của ông nằm trong tay vua Gia Long, nhưng cũng chính vì tài năng kiệt xuất và phẩm giá thanh liêm, trung thành của ông nên vua Gia Long đã phải giao bộ Lễ làm lễ tế cho ông rất long trọng. Sau đó sai quan quân đưa thi hài ông về quê nhà an táng. Đồng thời cấp tiền sai quan quân xây lăng mộ cho ông theo nghi thức quốc tạo. Và với những công lao to lớn của mình vì dân, vì nước, Nguyễn Đình Đắc đã được nhân dân tôn làm phúc thần, được thờ tự ở đền làng Thượng Xá và được liệt thờ ở đền Cương Quốc công Nguyễn Xí. Thế mới hay rằng, dù ở thời nào thì nhân dân cũng là những người viết lịch sử công bằng nhất đối với những nhân vật kiệt xuất của dân tộc.   

N.D

  • Từ khóa
109720

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu