Thứ 7, 20/04/2024 15:46:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:45, 22/02/2018 GMT+7

Một tập quán tốn kém

Thứ 5, 22/02/2018 | 07:45:00 179 lượt xem
BP - Sự kiện nổi bật nhất trong tuần qua là nhân dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài đã đón tết Mậu Tuất năm 2018 an toàn và trọn vẹn. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa thực sự vẹn toàn bởi vẫn còn tồn tại những tập quán gây tốn kém cho người dân, đó là việc đốt vàng mã trong mấy ngày tết.

Chưa có nghiên cứu nào cho thấy khoảng thời gian xuất hiện tập quán đốt vàng mã của người Việt Nam. Nhưng theo truyền thuyết để lại thì truyền thống đốt vàng mã đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống tinh thần của người dân nước ta. Theo đó, cha ông ta quan niệm rằng, con người sau khi chết thân xác sẽ trở về với cát bụi, còn linh hồn sẽ về cõi niết bàn hay cõi âm và họ có một đời sống khác như người trần, cũng có các nhu cầu như khi ở dương thế. Vì vậy, những người còn sống đã mua sắm vàng mã gồm tiền, vàng, áo quần... (tất cả bằng giấy) để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc dịp lễ như rằm tháng 7 hay tết Nguyên đán... để người đã khuất sử dụng. Tập quán này tồn tại hàng ngàn năm, qua nhiều thế hệ và đã trở thành nét truyền thống trong đời sống văn hóa của nhân dân ta. Thế nhưng, hiện nay nét văn hóa truyền thống này đã bị biến tướng bởi những hình thức đốt vàng mã thái quá trong dân gian. Trước đây, sau khi thắp hết tuần hương, vàng mã được đem ra đốt ở khoảng đất trống trong sân vườn. Còn ngày nay vàng mã được người dân đốt trong chum bằng gốm sứ cho sành điệu, gốm sứ càng có thương hiệu càng thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Vàng mã ngày xưa chỉ có vài tờ giấy được in hình tiền bạc, vải vóc mang tính tượng trưng là chính. Vàng mã ngày nay có đủ muôn hình vạn trạng từ nhà lầu, xe hơi, điện thoại Iphone đời mới đến máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô-la Mỹ... để cúng cho người đã khuất. Cũng có không ít trường hợp cúng hình nhân “chân dài, người mẫu” cho người thân quá cố. Nói chung, thị trường vàng mã ngày nay có đủ thượng vàng hạ cám, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Theo quan niệm của nhiều gia đình, việc đốt vàng mã đầy đủ như nêu trên là để người ở cõi âm có được cuộc sống no đủ, sung túc thì họ mới có điều kiện phù hộ độ trì cho người dương thế. Thế nhưng, không có luận chứng khoa học nào chứng minh cho điều này và nếu lập luận của người dân là đúng thì Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều tỷ phú... Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy trước mắt, việc đốt vàng mã hiện nay ngoài yếu tố gây ô nhiễm môi trường vì khói bụi còn phát sinh hỏa hoạn nếu bất cẩn. Đặc biệt, việc đốt vàng mã như hiện nay còn gây sự lãng phí là điều không thể tránh khỏi.

Việt Nam hiện có 93,7 triệu người, tương ứng với khoảng 25 triệu hộ dân, trong đó có khoảng gần 20 triệu hộ dân tộc Kinh. Theo truyền thống, các ngày tết cổ truyền hoặc rằm tháng 7 thì chỉ có người Kinh và một vài dân tộc thiểu số khác có tục đốt vàng mã. Ví như trong những ngày tết cổ truyền vừa qua mỗi gia đình mua khoảng 150 ngàn đồng vàng mã để đốt cho 3 lễ (tất niên, giao thừa và cúng tiễn ông bà) thì người dân cả nước đã tốn hàng ngàn tỷ đồng... Vì vậy, trong nhiều năm qua có không ít người, nhà nghiên cứu khoa học xã hội và giới Phật pháp kêu gọi mọi người bỏ tập quán đốt vàng mã trong ngày tết hay rằm tháng 7... Thế nhưng, chưa có sự hưởng ứng của người dân vì họ chỉ đốt theo thói quen là chính và chưa ai thấy sự lãng phí của tập quán này. Do đó, các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể cần vào cuộc để chấm dứt sự lãng phí không đáng có này. 

Tấn Phong

  • Từ khóa
108817

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu