Thứ 7, 20/04/2024 03:32:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:13, 12/11/2019 GMT+7

“Múa giỏi” và hiện thực

Thứ 3, 12/11/2019 | 09:13:00 238 lượt xem

BP - Sau khi PGS.TS Ngô Hoàng Long, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, giảng viên cốt cán tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, thống kê và xác suất là một trong 3 mảng kiến thức quan trọng của môn Toán trong chương trình phổ thông mới và học sinh sẽ được học ngay từ lớp 2 (trả lời phỏng vấn trong một bài báo của Vietnamnet đăng ngày 4-11-2019), cộng đồng giáo dục lại giật mình, đặc biệt là giáo viên giảng dạy môn Toán hay người từng học tốt môn Toán.

Chương trình giáo dục phổ thông 20 năm trước, lớp 12 học sinh mới làm quen công thức đầu tiên, làm những bài tập đầu tiên về xác suất. Đề thi tuyển sinh đại học môn Toán khi đó không có bài về xác suất, bởi nó thực sự khó, không chỉ với học sinh, mà còn khó với cả giáo viên dạy Toán. Hiện xác suất được đưa trong chương trình lớp 11, chủ yếu nhằm làm quen. Còn thống kê, những bài toán đơn giản nhất được đưa vào để làm quen với học sinh lớp 4, lớp 5 ở bậc tiểu học, lớp 7 ở bậc THCS, lớp 10 bậc THPT.

Mỗi thời kỳ có một chương trình giáo dục khác nhau sao cho phù hợp với thời đại, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển xã hội. Việc đưa xác suất và thống kê vào giảng dạy từ lớp 2 dựa trên quan điểm giáo dục nào, đưa vào ra sao để dạy được đối với trẻ mới 7 tuổi, mục đích đưa vào là gì và liệu có đạt được không, cần thiết hay chưa... và hàng loạt câu hỏi khác sẽ được đặt ra đối với hội đồng giáo dục quốc gia, hội đồng biên soạn chương trình giáo dục mới. Và đó là trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục.

Song ngoài giáo dục, cũng có nhiều vấn đề khác đặt ra, trong đó có vấn đề tưởng chừng như không liên quan gì, song nếu đặt đúng vai trò sẽ thấy nó lại mang tính sống còn đối với chương trình. Đó là niềm hạnh phúc của các gia đình có con đi học. Đã có quá nhiều sự bức xúc của xã hội với chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục, bệnh hình thức trong giáo dục hiện nay. Ví dụ như nhiều bài toán lớp 1, lớp 2 hiện nay, không ít phụ huynh là “dân trí thức” bó tay không giải thích được cho con, những bài toán lớp 1 kiểu như “trong hình bên có bao nhiêu tam giác” mẹ đếm đi đếm lại vẫn sai thì làm sao con có thể đếm được chính xác?! Và từ đó, bao xung đột nảy sinh. Đầu tiên là xung đột ngay trong mái ấm gia đình. Rõ nhất là mâu thuẫn về quan điểm trong dạy con, khi một bên muốn con phải gồng lên chín ép theo thầy cô, theo nhà trường để có thành tích tốt, một bên muốn con phát triển tự nhiên, giữ lâu nhất có thể tuổi thơ của con đúng nghĩa. Thứ hai là sự mâu thuẫn ngấm ngầm giữa phụ huynh với giáo viên - đại diện cho nhà trường và nền giáo dục đang dạy dỗ con em họ...

Một thực tế rất chua xót là với chương trình giáo dục hiện nay, hiếm thấy tiếng cười của học sinh và của cha mẹ với con. Thay vào đó, phần nhiều là tiếng la mắng, thậm chí quát tháo, là những giọt nước mắt của cả con và mẹ. Nhét bằng được mọi thứ vào trong đầu học sinh hay để chúng lớn lên tự khám phá, tự theo đuổi mơ ước của mình là những quan điểm giáo dục khác nhau. Song dù quan điểm nào đi nữa, đi liền với đó luôn là hạnh phúc, là tiếng cười của hàng triệu gia đình mỗi ngày.

Kỷ nguyên số, xác suất và thống kê cần học ngay khi bước chân đến trường. Những người “ở trển” thiết kế chương trình khẳng định như thế. Song, giáo dục cũng như các lĩnh vực khác, “múa giỏi” và hiện thực hiếm khi song hành. Ai không tin, hãy lấy một bài toán xác suất ra làm sẽ rõ.

Trần Phương

  • Từ khóa
109227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu