Thứ 6, 29/03/2024 00:58:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:24, 19/10/2016 GMT+7

Mùa rau… “đắng”

Ngân Hà
Thứ 4, 19/10/2016 | 07:24:00 459 lượt xem
BP - Sau những cơn mưa lớn kéo dài, tổ 2, khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện (Đồng Xoài) - nơi được xem là vựa cung cấp hàng tấn rau các loại ra thị trường mỗi ngày vẫn chìm trong nước. Những luống rau nằm rạp dưới bùn đất, thối nhũn khi nước rút, khiến đời sống người trồng rau đã khó nay càng khó hơn.

 KHÓC RÒNG VÌ MƯA

Thay vì cảnh nhộn nhịp mua bán rau thường ngày, sau mấy ngày mưa lớn, nước dâng cao khiến khu vực trồng rau ở tổ 2, khu phố Xuân Đồng ngập trong nước. Phải tự tay nhổ bỏ những luống rau đang là nguồn thu chính của gia đình, người trồng rau không khỏi xót xa.

1 sào rau của gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở tổ 2, khu phố Xuân Đồng đang cho thu hoạch, chỉ sau một đêm đã bị xóa sổ1 sào rau của gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở tổ 2, khu phố Xuân Đồng đang cho thu hoạch, chỉ sau một đêm đã bị xóa sổ

Dọc con đường dẫn vào tổ 2 sau mấy ngày mưa lớn liên tục nước vẫn còn xăm xắp các luống rau. 1 sào rau của gia đình chị Nguyễn Thị Thu đang cho thu hoạch chỉ sau một đêm bỗng nát tươm. Bình quân mỗi ngày chị Thu bán được 200-300 ngàn đồng tiền rau, đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình và tái sản xuất. Mấy ngày gần đây, mưa lớn liên tục, vườn rau nhà chị mất trắng, thiệt hại hàng chục triệu đồng. “Mùa mưa, người trồng rau đánh cược với ông trời vì khu vực này đất trũng, thường có lũ quét hoặc ngập cục bộ, có khi cả tuần nước mới rút hết. Từ tháng 8 đến tháng 10 năm nào người trồng rau ở đây cũng hứng chịu 3-4 trận ngập. Biết là “năm ăn năm thua” nhưng nếu không trồng rau, chúng tôi không biết làm gì khác” - chị Thu buồn rầu.

Nhìn 2 sào rau chết một nửa, ông Nguyễn Bình Thuận thở dài: “Ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ, vợ chồng tôi đi nhổ rau mang ra chợ bán. Cả gia đình đều trông mong vào vườn rau. Tuy thu nhập từ rau không nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Đặc tính của cây rau là rễ bám rất cạn, mưa mấy ngày liên tục, rau không bị ngập cũng bật rễ và ngã rạp hết. Rau chưa đủ ngày thu hoạch nhưng gia đình tôi và nhiều hộ đã vội nhổ mang ra chợ bán mong vớt vát phần nào, tiền thu về không đủ công chăm sóc cả tháng trời. Nếu thời tiết thuận lợi thì một sào rau gia đình tôi cũng thu về vài triệu đồng/tháng. Giờ tất cả chìm trong nước, không chỉ thất thu các loại rau gần đến ngày thu hoạch mà cả mấy luống rau giống dành cho vụ tới cũng trôi theo dòng nước”.

Xắn quần lội xuống vườn rau còn ngập nước gần tới đầu gối sau những ngày mưa lớn, bà Trần Thị Xuyến chỉ biết thở dài: “Trồng rau không tốn nhiều công sức, không phải lao động nặng nhọc, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mùa nắng, chúng tôi có thể chủ động tưới nước, còn mùa mưa phải chấp nhận phó mặc cho trời. Vườn rau là thu nhập chính nhưng nước ngập thế này phải đi vay để sống qua ngày. Mấy tháng trước, thương lái tới nhà gom rau tấp nập nhưng mấy bữa nay không có rau để lấy nên họ đã tìm mối khác. Chuẩn bị cho đợt rau mới, gia đình tôi mua xe phân gà với giá 5 triệu đồng nhưng lũ đến bất ngờ cuốn trôi hết. Nghề trồng rau sống được vào mùa nắng. Mùa mưa thì lay lắt và nếu gặp lũ coi như mất trắng”.

PHẢI TỰ CỨU MÌNH

Mùa nắng, nguồn nước từ suối Rạt dồi dào, đủ cung cấp cho các hộ trồng rau quanh suối. Cũng vì vậy, chỉ cần mưa lớn vài ngày sẽ làm ngập rau. Vài năm trở lại đây, các hộ trồng rau quanh suối Rạt đã tự cứu mình bằng cách đổ đất cao, xây tường bao quanh vườn để ngăn nước ngập.

Vườn rau của gia đình bà Trần Thị Xuyến ngập nặng sau những cơn mưa lớnVườn rau của gia đình bà Trần Thị Xuyến ngập nặng sau những cơn mưa lớn

Ông Trần Văn Đàn, Tổ trưởng tổ 2 cho biết: Mưa lớn liên tục, nước suối Rạt lên rất nhanh, trong phút chốc khu vực trồng rau trở thành “túi nước”. Để cứu vườn rau, mấy năm trở lại đây, các hộ không chỉ đầu tư giàn lưới nhằm cản lực rơi của nước mưa mà còn xây tường bao, ngăn nước tràn vào vườn. Ngoài ra, những hộ trồng rau với diện tích lớn đều sắm máy hút nước đặt tại vườn. So với mọi năm, năm nay nước lên không cao và rút nhanh nhưng nhiều hộ vẫn không kịp cứu vườn rau. Tổ 2 có 70 hộ trồng rau thì 60 hộ ảnh hưởng do nước ngập, ước thiệt hại ban đầu khoảng 600 triệu đồng.

Mặc dù thiệt hại mỗi vụ hàng chục triệu đồng nhưng đổi lại, sau mỗi đợt lũ về kéo theo phù sa giúp đất thêm màu mỡ. Lũ cũng cuốn đi sâu bệnh, đặc biệt là ốc sên. 3 sào đất trồng đủ loại rau của gia đình tôi thiệt hại gần một nửa. Hết mưa, đất ráo tôi lại vay mượn để làm đất, mua phân, giống để trồng rau trở lại. Nhà nông sống nhờ vào đất sản xuất, nếu cố gắng làm, tôi tin cuộc sống sẽ ổn định hơn...

Bà Trần Thị Xuyến, khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện

Sống bằng nghề trồng rau có người khá giả, làm giàu chỉ với vài sào đất, nhưng có gia đình ở vùng trũng mất thu hoạch nhiều lần trong năm nên cuộc sống gặp khó khăn. Sau ngập, muốn trồng lại rau phải có 5-10 triệu đồng mua giống, phân và làm đất. Gắn bó với nghề trồng rau đã nhiều năm và cũng không có ý định bỏ nghề nên người dân “tổ rau” đành phải vay vốn để tiếp tục canh tác. Là vùng rốn của lũ và ngập úng, nhưng người dân ở tổ 2, khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện sống được với nghề trồng rau cũng vì ngập. Sau những ngày mưa vừa qua, rau ở các chợ đều tăng giá lên 2.000-3.000 đồng/kg. Một số hộ cứu được vườn rau thì có thu nhập khá.

 Dự án kè chống xói lở và đê chống lũ suối Rạt ở hai phường Tân Đồng, Tân Thiện (Đồng Xoài) và 2 xã Đồng Tiến, Tân Phước (Đồng Phú) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1462/QĐ-UBND, ngày 25-6-2010 với tổng mức đầu tư 99,136 tỷ đồng. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm kê bồi thường và hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công. Tuy nhiên, năm 2012, 2013, dự án mới được Chính phủ hỗ trợ tổng cộng 14 tỷ đồng. Số tiền này chưa đủ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh có tờ trình đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn để thực hiện chi trả bồi thường và khởi công xây dựng công trình nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Trong thời gian chờ đợi, người dân hai bên bờ suối Rạt sống bằng nghề trồng rau vẫn phải “trông trời, trông đất, trông mây”...

  • Từ khóa
93109

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu