Thứ 7, 20/04/2024 14:59:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 17:03, 20/03/2016 GMT+7

Mưu kế thâm sâu

Chủ nhật, 20/03/2016 | 17:03:00 773 lượt xem

BP - Theo sử cũ thì những năm 80 của thế kỷ XVIII, tình hình đất nước có nhiều biến cố, nhất là những chuyện nội tình trong triều đình vua Lê - chúa Trịnh và đặc biệt là trong nhà chúa Trịnh. Chúa Trịnh Sâm vì yêu chiều vợ lẽ nên muốn phế bỏ con cả để lập con thứ. Điều này đã khiến nhiều người không phục, trong đó có thế tử Trịnh Tông và chính thế tử đã có ý định đảo chính.

Tin Tĩnh đô vương Trịnh Sâm ốm liệt giường, mười phần chắc chết chín phần khiến phủ chúa chìm trong không khí căng thẳng. Ở bên trong phủ đệ của thế tử không khí trở nên tấp nập lạ thường. Những kỵ mã phóng đi vội vã, các tráng sĩ có phần mệt mỏi mang dấu bụi đường trường từ trấn ngoại trở về. Có tin xôn xao đã mấy bữa nay: Thế tử đang lo mua sắm vũ khí, chuẩn bị binh mã để chinh Nam. Bên phủ chúa thì Huy quận công Hoàng Tố Lý ngày đêm bên mình chúa, cùng Tuyên phi Đặng Thị Huệ bàn mưu tính kế. Nét mặt của Tuyên phi có phần rầu rĩ, lo lắng nhưng không che được ánh mắt tức giận và quyết đoán, cũng như những mưu mô đã được tính toán kỹ trong việc tranh quyền đoạt vị chốn hoàng cung.

Bỗng dưng một ngày chúa Trịnh Sâm khỏi bệnh, cắt cơn mê mệt và ăn giả bữa. Song, đây chỉ là cái cớ được tạo dựng và che đậy kỹ lưỡng để phục vụ mưu đồ riêng của chúa là làm hài lòng Tuyên phi xinh đẹp. Buổi sáng, chúa vừa thức giấc thì Huy quận công vội vào vấn an ngay, hình như y đã chờ sẵn. Sau lời vấn an, Quận Huy rút trong tay áo ra một cuộn giấy: “Khải chúa thượng, có thư trình chúa thượng!”.

Đọc bức thư mà mặt Trịnh Sâm càng lúc một tái ngắt đi. Đến cuối bức thư, chúa  thở dài bực tức vỗ mạnh tay đập xuống mặt kỷ: “Quân bất hiếu, giỏi thật!”. Nguyên nhân khiến chúa Trịnh bực tức bởi lẽ trong bức thư đã vạch trần âm mưu đảo chính của phe Trịnh Tông như sau: Biết chúa ốm nặng, phe thế tử Trịnh Tông ngấm ngầm tu sửa vũ khí, chiêu mộ binh sĩ, chờ trong cung xảy ra chuyện chẳng lành thì nhanh chóng hành động đóng kỹ cửa thành, giết Quận Huy (người tình Tuyên phi), bắt mẹ con Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán, khiến Trịnh Cán không thể lên ngôi chúa được. Mặt khác, sẽ sai người ngầm báo cho các viên trấn thủ Sơn Tây và Kinh Bắc (vốn cùng phe với Trịnh Tông) đem quân vào kinh thành ép các đại thần dựng Trịnh Tông lên ngôi chúa... Kế hoạch của Trịnh Tông rất công phu và kín kẽ, chỉ đợi thời cơ thuận lợi là hành động.

Đọc hết thư tố giác, Trịnh Sâm giận run người, định sai trị tội Trịnh Tông bất hiếu, bất nghĩa ngay tức khắc cho hả cơn bực bội trong lòng. Nhưng Quận Huy ranh mãnh đã khôn khéo khuyên nhủ chúa từ từ thẩm xét vụ binh biến nhằm bắt cho hết đồng đảng, lập thành án rồi đưa sang triều đình xét xử đàng hoàng. Như vậy, việc riêng trong nhà chúa sẽ trở thành việc chung đại sự của nước nhà, mọi người không thể lời ra tiếng vào bàn tán chúa được. Trịnh Sâm nghe lời ngọt ngào khen Quận Huy nói rất đúng với ý chúa và hợp tình hợp lý khiến thiên hạ khó lòng bàn ra tán vào.

Bấy lâu nay, chúa Trịnh Sâm say đắm Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Mọi việc làm, lời nói của Tuyên phi đều lọt nhẹ vào tai chúa. Sắc đẹp của Tuyên phi khiến chúa trở nên mê dại. Con trai của Tuyên phi rất hợp ý của chúa. Thế nên chúa Trịnh Sâm đã nuôi ý định muốn truất ngôi thế tử của Đoan nam vương Trịnh Tông để lập Trịnh Cán lên vị trí cao nhất. Việc cướp ngôi của Trịnh Tông đã rõ, không tận dụng cơ hội ngàn vàng để trị thẳng cánh Trịnh Tông thì ngôi chúa của Trịnh Cán sau này khó mà vững được. Vụ án được trên gật dưới tung hê phút chốc trở nên ầm ĩ và trong ngoài phủ chúa không ai là không biết.

Lời bàn:

Người xưa có câu rằng “nghiêng nước nghiêng thành” là để chỉ những người phụ nữ xinh đẹp khiến quốc gia, xã tắc lâm vào cảnh chao đảo, bách tính phải sống cảnh lầm than vì đói khổ và chiến tranh liên miên... như Hỷ Muội thời vua Kiệt nhà Hạ, Đát Kỷ thời vua Trụ nhà Thương hay Bao Tự thời vua U Vương nhà Chu ở Trung Quốc thời cổ đại. Còn ở Đại Việt vào thế kỷ thứ XVIII cũng có thể liệt Tuyên phi Đặng Thị Huệ của chúa Trịnh Sâm vào trong số đó. Và với mưu kế này, Đặng Thị Huệ đã bắn một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất là gạt bỏ Trịnh Tông để con mình bước lên ngôi thế tử. Thứ hai là lấy lại lòng tin của Trịnh Sâm đối với Quận Huy và là người tình của Đặng Thị Huệ.

Ban đầu vốn là cô thôn nữ hái chè rồi sau đó được vào làm gia nhân trong phủ chúa. Từ đó, dần dần Đặng Thị Huệ leo lên ngồi vào ghế Tuyên phi và trở thành giai nhân bậc nhất của phủ chúa Trịnh. Theo sử cũ, Đặng Thị Huệ không chỉ có sắc đẹp và có tài chăn gối, mà còn là người đàn bà nhiều tham vọng, lắm mưu mô quỷ kế. Chính vì vậy, Đặng Thị Huệ là nguyên nhân chính gây ra nhiều tai ách trong phủ chúa và triều đình, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị - xã hội thời vua Lê - chúa Trịnh. Tuy nhiên, quy luật của cuộc đời không phải ai cũng cứ muốn là được, mà ngược lại còn phải trả giá đắt cho chính cái được. Và cái chết của Đặng Thị Huệ và con trai Trịnh Cán là một minh chứng. Tạo hóa là vậy, có khi cho đưa bằng tay trái nhưng khi giật lại thì bằng tay phải... là vậy. Thế mới hay rằng, ai gian tham, quỷ kế thì rồi cũng có ngày... 

ND

  • Từ khóa
109771

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu