Thứ 7, 20/04/2024 04:13:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:26, 11/08/2014 GMT+7

Mưu sinh ở vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ 2, 11/08/2014 | 14:26:00 892 lượt xem

>> Bài 1: Cuộc sống nơi cửa rừng

BP - Thạc sĩ lâm sinh Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập khẳng định: 18.300 ha vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập phần lớn không còn rừng. 965 hộ nghèo đang sống tại đây không phải không có cách để họ thoát nghèo. Chẳng phải thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây khối tài sản vô giá là rừng đó sao! Chẳng phải Bác đã bảo: “Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết bảo vệ thì rừng rất quý” đó sao!

Bài cuối Giải pháp bền vững nào cho vùng đệm?

Lý do nghèo

Tại sao nghèo là câu hỏi tôi đặt ra với Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập sau 2 ngày lặn lội cùng người dân nơi cửa rừng. Chủ tịch Phạm Thành cho rằng: Trước hết là do ý thức của người dân chỉ biết hôm nay mà không biết tính cho ngày mai. Thứ hai là có tình trạng người dân thi nhau cầm vườn, bán điều non để chi tiêu những việc trước mắt. Thứ ba là cả xã Bù Gia Mập hiện chưa có doanh nghiệp nào nên không thể giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, UBND xã đã đứng ra mua nợ 53 tấn gạo bán cho bà con theo hình thức trả chậm nhằm cứu đói giáp hạt. Đến thời điểm này, UBND xã còn nợ đơn vị bán gạo 60 triệu đồng, vì không thu được tiền mua gạo trả chậm của người dân. Đó là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, xã Bù Gia Mập đang triển khai vận động mỗi hộ dân trong xã trồng 100 nọc tiêu để xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không bán điều non, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thạc sĩ Vương Đức Hòa giới thiệu những cây thuốc trong vườn thực vật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập

 
Tôi hỏi tiếp, sao người dân mang vườn điều thế chấp cho thương lái mà không thế chấp cho ngân hàng? Thì do nhận thức của người dân, Nhà nước không thể cấp đất mãi, không thể cứu đói mãi - ông Phạm Thành khẳng định. Ông nghĩ có bất hợp lý không khi người dân xã Bù Gia Mập sống trên 4.719 ha đất vùng đệm nhưng còn đến 150 hộ thiếu đất sản xuất và thiếu đất ở? Chủ tịch Phạm Thành cho hay: Do công tác quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý. Tính đến ngày 31-12-2013, Bù Gia Mập đã cấp được 1.367 sổ đất nông nghiệp, 1.185 sổ đất ở. Sau khi phân 3 loại rừng, xã Bù Gia Mập được giao về 4.000 ha để cấp cho người dân. Tính đến hết ngày 31-7-2014, toàn xã đã cấp mới được 97 sổ đất ở và đất sản xuất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân trên địa bàn xã cơ bản hoàn thành. Riêng một số hộ thuộc các thôn 8, Bù Dốt, Bù Nga do quy hoạch trước đây trên đất lâm trường nên chưa được cấp sổ đỏ. Trong khi các hộ Điểu Nghên, Điểu Hùng, Điểu Dem, Điểu Sôi... thì cho biết do không có sổ đỏ nên không thể thế chấp ngân hàng, người dân chỉ biết thế chấp cho các thương lái để chống đói trước mắt.

Rời xã Bù Gia Mập, trên đường về tôi gặp vài chiếc xe máy cải tiến, bánh quấn xích mang theo những thước gỗ từ rừng về khu trung tâm xã Bù Gia Mập.

Giải pháp nào cho vùng đệm?

Theo số liệu của UBND xã Bù Gia Mập, tính đến hết tháng 7-2014, toàn xã có 125 hộ thế chấp 198 ha điều cho thương lái. Còn Bí thư thôn Bù Dốt - Điểu Vơn khẳng định, tình trạng bán điều non hay còn gọi là thế chấp vườn điều cho thương lái đã và đang diễn ra không chỉ ở thôn Bù Dốt mà còn ở các thôn 8, Bù Lư, Bù Nga, Bù Rên.

Vùng đệm là khoảng cách 2km đất rừng tính từ vùng lõi của vườn quốc gia. Đó cũng là khoảng cách để ngăn ngừa sự tác động từ bên ngoài vào rừng. Tính từ khoảng cách này, Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện có 18.300 ha thuộc 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Tất cả diện tích 10.300 ha trên địa bàn tỉnh Bình Phước gần như không còn rừng. Trên diện tích vùng đệm này hiện có 5.243 hộ dân thuộc 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ đang sinh sống. Nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào cây điều. Năng suất bình quân mỗi ha điều của đồng bào tại đây chỉ dao động từ 8 tạ đến 1 tấn/ha. Vì năng suất thấp nên chuyện thiếu đói giáp hạt hàng năm là điều khó tránh. Vì thế, trong thực tế, các hộ dân sống trong vùng đệm vẫn ngày ngày phải sống dựa vào những sản vật từ rừng.

Trên thực tế, người dân vẫn ngày ngày vào rừng để lấy măng, hái nấm hay xúc cá từ các khe suối. Lực lượng bảo vệ rừng theo đó mà ngày nào cũng phải vào rừng để phòng ngừa những bất trắc. Người dân và người giữ rừng từ bấy lâu nay cứ như chơi trò trốn tìm khi bước vào rừng. Dẫu biết vào rừng khi chưa có sự đồng ý của chủ rừng là bất hợp pháp, nhưng họ vẫn phải dựa vào rừng để sống. Nếu không kiểm soát được những tác động của người dân thì rừng không thể phát triển bền vững. Trong khi đó, việc chia sẻ lợi ích từ rừng để người dân ổn định cuộc sống, rừng phát triển một cách bền vững là điều hoàn toàn có thể làm. Cùng với việc chia sẻ lợi ích từ rừng, công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng cho người dân cần cụ thể để giúp họ có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống cũng là cách giữ rừng bình yên. Để làm được tất cả các giải pháp giao đất, giao rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng, trồng cây thuốc dưới tán rừng, dưới tán điều, thạc sĩ Hòa ước tính chừng 2 tỷ đồng. Trộm nghĩ, 2 tỷ đồng là số tiền không lớn nếu những người có trách nhiệm, tâm huyết với rừng dành vài phút suy ngẫm! 

Thạc sĩ Vương Đức Hòa đưa tôi vào vườn thực vật trong khu phục hồi sinh thái rộng 7.778 ha của vườn quốc gia. Trên đường đi, bất chợt thạc sĩ đặt câu hỏi: Rừng giàu hay nghèo? Giàu hay nghèo là do cách ứng xử của con người đối với rừng mà thôi. Thạc sĩ tự trả lời cho câu hỏi của mình.
 
Chỉ về phía những cây cỏ mọc đầy dưới tán rừng, thạc sĩ Hòa bảo đó là các cây kim tiền thảo, vàng đắng, an xoa, sâm cau, sa nhân... tất cả đều là cây thuốc đấy, chúng hoàn toàn thích nghi dưới tán rừng. Nếu những cây thuốc này được đưa vào trồng dưới tán điều và có những đánh giá khoa học thì người dân trong vùng đệm có cần vào rừng để hái măng hay không?

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92473

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu