Thứ 6, 29/03/2024 17:18:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:32, 31/01/2015 GMT+7

Mưu sinh với nghề rọc lá chuối

Thứ 7, 31/01/2015 | 06:32:00 832 lượt xem
BP - Hơn 18 năm nay, ông Nguyễn Hữu Quýnh ở tổ 3, ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú (Đồng Phú) tất bật với nghề buôn lá chuối nhưng cũng chỉ là lấy công làm lời. Những ngày giáp tết, công việc vất vả hơn bởi nhu cầu sử dụng lá chuối tăng đột biến.


Vợ chồng ông Quýnh đang rọc lá chuối

Các vườn chuối thường trồng ven suối, xen trong những vườn điều, rừng cao su. Vì nghề nên vợ chồng ông Quýnh đều thuộc như lòng bàn tay. Có đi theo những người thu gom lá chuối mới hiểu vì sao loại lá cây tưởng như bỏ đi này lại đem đến cho gia đình ông Quýnh việc làm ổn định.

Từ mờ sáng, vợ ông Quýnh đã khăn gói lên đường tìm mua lá chuối. “Mình chỉ cần mang theo câu liêm (dụng cụ để cắt lá chuối), dao sắc để rọc lá và bao to để đựng lá. Khi đến điểm mua lá thì chặt lồ ô hay tầm vông làm cán câu liêm để cắt lá. Làm nghề này phụ thuộc vào thời tiết, sức khỏe. Ngày nắng, lá khô ráo mình cắt được nhiều. Ngược lại, mùa mưa đường đi lại vất vả, lá chuối bị ướt, giòn, dễ bị rách nên khó tiêu thụ”- ông Quýnh cho biết.

Những hôm đi xa, vợ chồng ông Quýnh đem theo cơm. Sau khi cắt lá là công đoạn rọc xếp thành từng bó. Vừa xếp lá chuối, bà Nguyễn Thị Hà (vợ ông Quýnh) vừa nói: Từ tháng 5-10 (âm lịch) lá chuối đẹp nhất. Sau khi cắt hết một lượt, gom lá lại và dùng dao thật sắc rọc lá từ cuống xuống dưới ngọn. Sau đó bó gọn lá rồi chất lên xe chở về bán cho các đầu mối. Đơn giản nhưng công việc này phải tỉ mẩn và đừng làm cho lá chuối bị rách. Mỗi nghề đều có vất vả riêng. Những người rọc lá chuối bị muỗi đốt, vắt cắn quanh năm. Đôi lúc đang mải miết cắt lá chuối, rắn từ trên ngọn cây lao xuống, dưới hang chui lên phải bỏ chạy thục mạng. Do vậy, đi làm nghề phải có đôi để giúp đỡ nhau khi khó khăn hay gặp nạn.

Trong bộ quần áo lấm lem nhựa chuối, đôi bàn tay sần sùi, chi chít vết sẹo vì bị lưỡi dao phạm vào khi rọc lá, ông Quýnh chia sẻ: “Mình làm nghề này đã hơn 18 năm. Trước đây, chuối rừng nhiều, mình không phải mua. Đôi khi đạp xe 50-60 cây số để cắt lá. Hồi đó, hai vợ chồng kiếm khoảng hơn 1 tạ lá/ngày về bán. Nay chuối trên rừng không còn, phải vào vườn, rẫy của dân để mua. Nhiều gia chủ thấy lá chuối không đáng mấy đồng nên cho, nhưng cũng có người kỳ kèo từng đồng. Hiện chúng tôi đang mua 2.000 đồng/kg (người mua phải cắt, rọc, xếp), về bán lại cho mối 5.000 đồng/kg. Nay tuổi đã cao, vợ chồng kiếm được khoảng 200 ngàn đồng/ngày, chủ yếu lấy công làm lời”.

Trong các loại thì lá chuối sứ được ưa dùng nhất vì to bản, dẻo, khi gói không bị rách, gãy hoặc khi nấu nhựa lá không chảy ra... Thời gian này, trồng chuối sứ không cho thu nhập là bao nên người dân phá để trồng cây khác. Bây giờ muốn có lá chuối, người buôn phải lặn lội vào tận vùng sâu, xa để tìm hoặc vào rừng tìm cây chuối hoang. Có khi gặp được vườn, hai bên ước chừng số lượng cây, trả tiền cho cả vườn, rồi tự vào cắt dần. Những vườn chuối lớn, có thể thu hoạch khoảng vài ba tháng mới hết.

Những ngày cận tết, nhu cầu của các cơ sở sản xuất chả, bánh tét, giò cao hơn, lại vào thời điểm mùa khô nên lá ra chậm, nguồn khan hiếm. Có hôm vợ chồng ông Quýnh phải đi hàng trăm cây số sang tận Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng để tìm hàng. Ông Quýnh nói: “Năm nay mình đã mua một số vườn chuối ở huyện Bù Đăng để dành bán tết nên không lo hụt hàng. Vào những ngày cuối năm, mình phải thuê thêm 5 người phụ cắt lá chuối để kịp bán tết”.                      

N.Sơn

 

  • Từ khóa
38206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu