Thứ 6, 26/04/2024 12:39:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 19:58, 12/12/2013 GMT+7

Tỷ phú ở tuổi 26

Thứ 5, 12/12/2013 | 19:58:00 470 lượt xem

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Nguyễn Chí Thành (1987), trú ấp 4, xã Tân Lập (Đồng Phú) đã tạo dựng được cơ nghiệp mà ít ai có thể làm được. Mô hình trồng và cấy phôi nấm của gia đình anh Thành hàng năm cho thu nhập 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 22 lao động với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.      

Thành công từ... thất bại

Chia sẻ với chúng tôi về duyên đến với cây nấm, anh Thành nói: “Từ khi đọc được bài báo nói về nghề trồng nấm cho thu nhập cao, tôi nảy ra ý tưởng đem nấm về làm giàu cho gia đình. Đầu năm 2007, tôi nghỉ làm ở Nông trường Quân đoàn 4 (Bình Dương). Sau đó xuống huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) học nghề trồng nấm. Xác định học nghề không thể ngày một ngày hai, tôi vừa học kỹ thuật từ sách báo, xem các chương trình truyền hình dạy trồng nấm, vừa xin học nghề ở một trại nấm”.


Trại nấm của gia đình anh Thành tạo việc làm cho 22 lao động với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng 

Vừa học vừa làm, sau thời gian ngắn anh Thành đã tích lũy được vốn kiến thức cơ bản về cây nấm. Sau đó anh về xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương làm nhà trồng nấm. Ban đầu anh vay mượn bạn bè mua 3.000 bọc phôi nấm linh chi về trồng trên diện tích 50m2. Trồng nấm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thời tiết, độ ẩm... đến nhà nấm được làm bằng chất liệu gì cho phù hợp. Vì chưa nắm vững kỹ thuật trồng, đợt nấm đầu tiên anh thất bại. “Thường nhà trồng nấm được dựng ở khu đất trống, mái lợp bằng lá dừa nước nhằm bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm bên trong. Tôi làm nhà trồng nấm trong lô cao su, cải tiến mái lợp bằng bạt. Mùa cao su rụng lá, nắng chiếu trực tiếp vào làm nhiệt độ, độ ẩm bên trong không bảo đảm” - anh Thành chia sẻ nguyên nhân thất bại vụ nấm đầu. Rút kinh nghiệm, anh Thành mua lá dừa nước về lợp lại mái, sau 1 tuần nấm mọc trở lại và phát triển tốt. 2 tháng sau nấm cho thu hoạch, dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng anh đã lãi 3 triệu đồng.

Năm 2008, tận dụng khu vực có nguồn nguyên liệu dồi dào từ mùn cưa gỗ cao su, anh Thành quyết định đầu tư 400 triệu đồng mở rộng nhà trồng nấm với diện tích 300m2, mua lò hấp khử trùng (lò có thể chứa 600 bọc phôi nấm/lần hấp) để vừa trồng vừa nuôi cấy phôi nấm. Mặc dù đã dồn hết tâm huyết vào nghề, nhưng 600 bọc nguyên liệu (bọc phôi chưa cấy meo giống) đưa vào lò hấp đã xảy ra tình trạng bọc ni-lon chảy nhựa, dính vào nhau. Không nản chí, anh Thành lại khăn gói xuống thành phố học nghề và đã tìm ra nguyên nhân thất bại. Anh Thành tìm mua túi ni-lon chịu nhiệt và tiếp tục đóng bọc phôi, cấy meo giống lần 2. Anh Thành nói: “Lần này tự tin lắm, nghĩ sẽ không còn trục trặc nữa, nhưng 600 bọc phôi sau khi hấp khử trùng đem cấy meo giống lại bị mốc, meo giống không phát triển được. Tìm hiểu mới biết do dùng mùn cưa tươi làm nguyên liệu”.

Sau 3 lần thất bại, anh Thành vẫn kiên trì tìm hiểu, rút kinh nghiệm để làm tiếp các vụ sau. Giờ đây những bọc phôi nấm gia đình anh làm ra đều phát triển tốt và được các thương lái nhiều tỉnh, thành đến đặt mua.

Thu nhập 100 triệu đồng/tháng

Sau những thất bại, cuối cùng thành công đã mỉm cười với người thanh niên giàu ý chí, nghị lực và quyết tâm như anh Thành. Nấm của gia đình anh ngày càng tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Nhận thấy nhu cầu mua phôi giống ngày càng tăng, anh Thành quyết định mở rộng lán trại. Cuối năm 2009, anh tìm mua đất tại xã Tân Lập (Đồng Phú). Năm 2010, vợ chồng anh chuyển lên Bình Phước dựng nhà sản xuất phôi nấm với diện tích 2.500m2. Đến nay, cơ sở nuôi cấy phôi nấm ở xã Tân Lập cung ứng cho thị trường khoảng 200 ngàn bọc phôi nấm/tháng, trong đó thị trường Đắk Lắk và Đà Lạt khoảng 140 ngàn bọc phôi giống và nhiều tạ nấm tươi, khô các loại.

Công thức trộn nguyên liệu làm phôi nấm
 
Mạt cưa từ cây cao su trộn với vôi bột, phân và nước, tỷ lệ hỗn hợp này đạt độ ẩm 80%. Sau đó, hỗn hợp được đem đóng bọc (1,1kg/bọc) và đưa vào lò hấp khử trùng trong 8 tiếng, nhiệt độ từ 950 đến 100oC. Sau đó lấy ra để nguội và cấy meo giống (hay còn gọi là que meo). Sau khi cấy meo giống, bọc phôi được đem ra trại ủ tơ treo khoảng 20 ngày hoặc đưa vào trại nuôi trồng. Sau 20 ngày ủ tơ, que meo sẽ phát triển thành các sợi tơ màu trắng và nuôi trồng theo đúng kỹ thuật, sau 2 tháng nấm sẽ cho thu hoạch.

Hiện anh Thành có 1 cơ sở chuyên nuôi trồng nấm ở An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và 1 cơ sở chuyên nuôi cấy phôi nấm ở xã Tân Lập (Đồng Phú). Trung bình một ngày gia đình anh sản xuất hơn 7.000 bọc phôi giống gồm nấm các loại, chủ yếu là nấm sò và nấm mèo. Ngoài ra, gia đình anh hiện nuôi trồng hơn 100 ngàn bọc nấm các loại cung cấp cho thị trường. Thu nhập bình quân một năm từ trồng và nuôi cấy phôi nấm trên 1,2 tỷ đồng. Trại nấm còn giải quyết việc làm cho 22 lao động địa phương với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng/người.

Theo anh Thành, nấm không khó trồng, song người trồng nấm cần phải tỉ mỉ, kiên trì, biết quan sát các thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kịp thời. Ngoài ra, trồng nấm cũng phải biết chọn giống, điều chỉnh độ ẩm... đến chọn thời gian thu hoạch. Thường sau 2 tháng nấm có thể thu hoạch. Thu hoạch quá sớm hay quá muộn đều ảnh hưởng đến chất lượng nấm. Cuối cùng là công đoạn sấy khô phải đủ nhiệt độ mới đạt được chất lượng tốt nhất với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, nếu không nấm sẽ bị mốc.   

Thùy Hương

  • Từ khóa
36926

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu