Thứ 5, 18/04/2024 18:01:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:21, 23/05/2019 GMT+7

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng

Thứ 5, 23/05/2019 | 15:21:00 150 lượt xem
BP - Những ngày qua, các cấp, ngành trong cả nước tổ chức Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai (từ ngày 15 đến 22-5) với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”. Những hoạt động tại tuần lễ nhằm tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động tham gia của toàn xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta.

Là quốc gia luôn chịu nhiều thiệt hại do thiên tai nên sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70, ngày 22-5-1946 về thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê (nay là Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương). Ngày 21-3-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 89/HĐBT lấy ngày 22-5 hằng năm là Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai. Những năm qua, công tác phòng, chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai ở nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng, phức tạp, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng sự phát triển của đất nước. Trong năm 2018, cả nước gánh chịu 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 212 trận giông sét, lốc xoáy; 14 trận lũ quét, lở đất làm chết và mất tích 218 người; gần 5.500 hộ dân bị trôi mất nhà cửa, tài sản... với tổng thiệt hại hơn 20.000 tỷ đồng.

Nằm ở khu vực Đông Nam bộ không bị bão hay triều cường tàn phá nhưng Bình Phước là địa bàn chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ, lốc xoáy... Những năm qua, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cấp, ngành luôn quan tâm nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo ở những vùng trọng điểm thường xuyên bị thiên tai. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm và triển khai nhân rộng các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai ở các xã, thôn trọng điểm. Đặc biệt, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được địa phương và đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện hiệu quả. Tỉnh chi ngân sách để duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đập ngăn; mua sắm phương tiện cứu hộ, cứu nạn; xây dựng các trạm đo mưa tự động để nâng cao chất lượng dự báo về lũ lụt... Tuy nhiên, thiên tai vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn trong sinh hoạt và đời sống của người dân ở tỉnh, nhất là những hậu quả do giông sét, lốc xoáy, lụt cục bộ, nắng hạn... gây ra. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 58 đợt giông, lốc xoáy làm tốc mái, hư hỏng 225 căn nhà và đã có 1 người chết, 1 người bị thương; hơn 583 ha cây trồng các loại bị gãy đổ; ngập lụt 54,428 ha ao nuôi cá và cuốn trôi 2.527 con gà, heo, dê... với tổng thiệt hại lên tới 60,5 tỷ đồng.

Theo dự báo, tình hình thiên tai trong thời gian tới ở nước ta nói chung sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường... Vì vậy, ngoài tăng cường năng lực phòng, chống và chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, các cấp chính quyền trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của cộng đồng, chung tay với các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong đối phó với thiên tai. Phải xem công tác phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của toàn xã hội, của cộng đồng để có những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế tối đa những tác động, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109108

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu