Thứ 6, 26/04/2024 02:24:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:31, 17/07/2018 GMT+7

Nâng cao ý thức “Hãy làm sạch biển”

Thứ 3, 17/07/2018 | 07:31:00 827 lượt xem
BP - Với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải sinh hoạt”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2018 dự kiến thu hút 28.000 người tham gia chung tay bảo vệ môi trường biển. Chiến dịch sẽ duy trì thường xuyên hoạt động tối thiểu mỗi tuần/lần tại ít nhất một điểm ô nhiễm rác thải; giảm thiểu ô nhiễm rác thải tại ít nhất 50% các địa bàn được xác định bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt; có ít nhất 50 sáng kiến “Hãy làm sạch biển” khả thi được đề xuất. Điểm đặc biệt năm nay là bất kể khách du lịch nào cũng được tham gia các hoạt động tuyên truyền, thu gom rác thải ở một số bãi tắm du lịch công cộng vào các ngày cuối tuần.

Đoàn viên thanh niên tham gia làm sạch biển trong chiến dịch năm 2017 - ảnh tư liệu

Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được phát động và tổ chức từ năm 2016 đến nay tại 28 tỉnh, thành phố có biển. Chiến dịch đã thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, học sinh, bộ đội, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đây là việc làm được các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Ngày hội “Hãy làm sạch biển” năm 2018 cấp Trung ương sẽ được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào ngày 20-7 với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực. Ngoài ra, tất cả tỉnh, thành phố có biển khác cũng đồng loạt tổ chức hoạt động thu gom rác thải.

Việt Nam có đường bờ biển dài và diện tích biển, đảo rộng lớn. Từ sự vô ý thức của con người xả rác bừa bãi mà gần đây nhiều khu vực biển nguy cơ trở thành bãi rác khổng lồ. Khi đến với biển, ai cũng buồn vì phải chứng kiến cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu do rác trên các bãi cát trắng hoặc trong nước biển. Đã có điểm du lịch bị khách tẩy chay vì rác và quá bẩn. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng của một số người ngày càng kém đi và rác quăng vô tội vạ, ai sẽ là người dọn dẹp? Hậu quả là chính con người lại phải bơi lội chung với vỏ chai, túi ni-lon, rác thải sinh hoạt... do mình ném ra. Dù ai cũng biết, đại dương không phải là nơi chứa rác, thế nhưng hằng ngày biển vẫn đang phải hứng chịu vô vàn loại rác thải do con người ném vào. Không ít người vô ý thức, bất chấp các biển báo nhắc nhở giữ vệ sinh chung, cấm vứt rác nơi công cộng... là tác nhân làm cho biển ngày càng xấu đi. Từ thực trạng đó, việc bảo vệ môi trường biển của con người không chỉ dừng lại ở những lời hô hào và khẩu hiệu suông mà phải bằng sự thay đổi về nhận thức, từ việc làm nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” những năm qua với quyết tâm hướng đến mục tiêu đó.

Nước ta có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, hàng chục triệu người sống nhờ vào biển. Ngoài những bãi biển chủ yếu thu hút khách du lịch, thì việc một số làng chài thải rác sinh hoạt ra biển cũng đang là vấn đề cần phải giải quyết. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi đã đến mức báo động. Rác sinh hoạt không được thu gom xử lý khoa học mà chủ yếu xả thẳng ra biển và hậu quả là một số loài sinh vật quý hiếm, có giá trị cao gần như bị tuyệt diệt, thảm thực vật đáy biển đang dần biến mất. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa. Bên cạnh đó còn có mối nguy hại từ các “đảo rác” hình thành trên đại dương do rác thải tích tụ dưới đáy biển quá lớn, không thể phân hủy. Vì vậy, hành vi xả rác của con người xuống biển chính là việc làm “đầu độc biển cả”.

Qua 2 năm thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, những người trẻ đã truyền cảm hứng cho các địa phương và các tầng lớp nhân dân; nhắc nhở mọi người không xả rác bừa bãi xuống biển. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Do đó, phong trào làm sạch biển phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Khi nào mỗi người không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn tự ý thức về việc giữ sạch môi trường nơi công cộng, thấy xấu hổ vì đã xả rác không đúng nơi quy định, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững và chắc chắn rác thải xuống biển sẽ không còn.Biển đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với các quốc gia có biển. Bảo vệ biển cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia. Kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111340

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu