Thứ 3, 23/04/2024 14:46:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:45, 01/08/2019 GMT+7

Nặng lòng với đồng đội

Thứ 5, 01/08/2019 | 14:45:00 1,314 lượt xem
BP - Vinh dự được dành hết thời trai trẻ tình nguyện chiến đấu bảo vệ đất bạn Lào - Campuchia, đến nay, ông Dương Xuân Tường (ảnh), Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Bù Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Sơn (Bù Đăng) vẫn nặng lòng với đồng đội. Giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống đời thường, ông luôn tâm niệm “Nhà nước còn tín nhiệm, đồng đội còn tin yêu, gửi gắm thì còn phải cống hiến”.

2 lần thực hiện nghĩa vụ quốc tế

Ở tuổi 61, nhưng ông Dương Xuân Tường vẫn rất khỏe mạnh, giọng nói còn hào sảng mang đặc trưng của người con Quảng Bình - miền Trung vốn “ăn sóng nói gió”. Ít ai biết, ông từng để lại một phần sức trẻ, máu thịt trên các chiến trường nước bạn Lào, Campuchia; nhiều vết thương đã lành, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi khi trái gió trở trời. Ông Tường kể: “Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là thời kỳ sau năm 1972, Bình Trị Thiên là chiến trường rất khốc liệt. Bên cạnh chiến đấu, bộ đội, TNXP còn phải mở đường, tiếp lương thực, thực phẩm, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuy mới 16 tuổi nhưng phải chứng kiến những mất mát, đau thương quá lớn của dân tộc, tôi quyết tâm xin tòng quân để được cống hiến cho đất nước”.

Sau thời gian huấn luyện, ông được phân bổ vào đội TNXP với nhiệm vụ chính là xây dựng cầu đường ở nước bạn Lào, thuộc tỉnh Savannakhet. Là một trong những người từng tham gia thông đường cho quân giải phóng Lào, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn luôn khắc ghi khoảng thời gian vô cùng quý giá đó. Ông cho biết: “Nhận nhiệm vụ, tôi cùng đơn vị lên đường, bắt đầu những năm tháng sống, chiến đấu trên đất nước Triệu Voi. Trong chiến tranh gian khổ ác liệt, phải giành giật từng tấc đất, từng quả đồi với quân địch, sống trong chốn “rừng thiêng, nước độc”, nhưng chúng tôi vẫn dành cho nhau tình cảm chân thành, nồng hậu; sẵn sàng khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao phó”.

Năm 1975, nước bạn Lào giải phóng, ông Tường và đồng đội về nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. 2 năm sau, ông xung phong đi bộ đội và đến cuối năm 1977 hành quân vào mặt trận phía Nam. Đầu năm 1978, ông lại khoác ba lô cùng đoàn quân tình nguyện lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng Khơme Đỏ, giải phóng đất nước. Từ khi đặt chân lên đất nước Chùa Tháp cho đến ngày về (năm 1983), ông trải qua rất nhiều trận đánh vô cùng ác liệt, nhưng tinh thần vẫn lạc quan vì mỗi khi chiến đấu đều vui vẻ xác định “không có ngày về”. Ai cũng thấy mỗi việc mình làm, mỗi bước mình đi đều có ý nghĩa, có giá trị vì sự bình yên, độc lập của nước bạn.

Ông Tường hồi tưởng: “Trong nhiều trận đánh ác liệt nhưng với tôi, trận đánh vào tháng 6-1981 ở Siêm Riệp (Campuchia) là ấn tượng nhất. Khi đó, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí cho trung đoàn, nhưng bị phục kích. Đồng đội bị thương, tử vong nhiều, bản thân cũng bị thương ở chân, nhưng tôi vẫn quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Lần đó, tôi bị mất nhiều sức lực, trở thành thương binh 4/4”. “Chứng kiến đồng đội hy sinh, bị thương và bản thân cũng bị thương giữa vòng vây quân thù, tâm lý chú thế nào?” - tôi hỏi. Ông Tưởng dõng dạc: “Tham gia trận đánh nào cũng phải xác định là đi không về và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nên lúc chiến đấu 10 người như 10, chẳng ai sợ chết, chỉ nghĩ cách đánh và đánh thắng thôi. Như tôi bị thương, nhưng còn tỉnh táo nên vẫn ráng bắn trả để cứu đồng đội, cứu xe”.

Canh cánh một lòng lo cho đồng đội

Tháng 9-1983, ông Tường phục viên trở về địa phương, gặp gỡ và nên duyên với nữ bộ đội cùng quê kém ông 2 tuổi mới trở về từ biên giới phía Bắc. Cùng là người lính nên họ dễ đồng cảm, hiểu nhau. Năm 1990, ông đưa gia đình vào Phước Sơn sinh sống theo diện kinh tế mới. Ở đây, ông tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ đồng đội, dạy dỗ con cái chăm ngoan, xây dựng gia đình nền nếp nên được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Tuy kinh tế còn khó khăn nhưng trước sự tin tưởng của đồng đội, ngoài tham gia, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm được giao, ông còn đến nhiều nơi, tìm mọi cách giúp đồng đội hoàn tất thủ tục hưởng chế độ, chính sách.

“Vất vả nhưng vẫn cố gắng làm và truyền đạt lại cho hội viên cách thực hiện thủ tục vì chúng tôi xem nhau như người nhà nên ai chưa làm thủ tục để được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, tôi đều hỗ trợ, giúp đỡ. Như trường hợp bà Bùi Thị Thái ở cùng xã là TNXP tham gia xây dựng tuyến đường Trường Sơn bị thất lạc hồ sơ, tôi phải đi lại nhiều lần theo thủ tục pháp lý mới xác minh được. Tôi nghĩ, còn người ngã xuống chưa tìm thấy hài cốt, còn thương binh chưa được xác minh để hưởng chính sách, mình được như thế này là hạnh phúc rồi. Vì vậy, tôi tâm niệm, đồng đội đã bỏ công lao, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, họ xứng đáng được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình nên luôn cố gắng để đồng đội không bị thiệt thòi” - ông Tường chia sẻ. 

Mai Ly

  • Từ khóa
2289

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu