Thứ 5, 18/04/2024 11:48:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:34, 05/10/2018 GMT+7

Nâng tầm chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn

Thứ 6, 05/10/2018 | 08:34:00 167 lượt xem
BP - Ngày 9-6-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điểm nổi bật của nghị định này là bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao...

Nhờ có Nghị định số 55, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm từ trên 20% năm 2011 xuống mức phổ biến từ 6,5-8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm, còn đối tượng chính sách, ưu đãi và những chương trình tín dụng đặc thù, lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm. Nghị định cũng thúc đẩy tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng cao và khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định số 55 cũng đã bộc lộ nhược điểm. Đó là mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chưa phù hợp, không đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ sản xuất - kinh doanh hiện nay.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 55/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25-10-2018. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng); cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất - kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng)... Đây sẽ là bước đệm, tạo đà cho nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lợi ích từ Nghị định số 116 mang lại đã rõ nhưng để nghị định thật sự đi vào cuộc sống, các TCTD cần nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp. Đồng thời bỏ các thủ tục không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh; đưa các dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, tạo sự gắn kết giữa nhà nông với doanh nghiệp và ngân hàng.

Ngành ngân hàng cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chuyên sản xuất nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng phát triển sản xuất. Những trường hợp vay vốn bị thiệt hại do thiên tai, các TCTD cần tạo điều kiện hỗ trợ như kéo dài thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất...

Bình Phước là tỉnh kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng những năm gần đây nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, như cao su, điều, tiêu... bị mất giá; nhiều loại cây trồng thế mạnh như tiêu, điều, cà phê... bị sâu bệnh phá hoại khiến nhiều nông hộ, doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn cùng. Để phát huy hiệu quả Nghị định số 116 trên địa bàn tỉnh, rất mong các TCTD cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ những nông sản bị mất giá hoặc giảm sâu chưa có dấu hiệu phục hồi, giúp bình ổn giá và tránh thiệt hại cho nông dân; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất để tái canh các loại cây trồng bị phá hoại do thiên tai, sâu bệnh...

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu