Thứ 5, 18/04/2024 20:03:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:31, 11/09/2019 GMT+7

Nâng tầm giá trị nông sản Bình Phước

Thứ 4, 11/09/2019 | 09:31:00 285 lượt xem
BP - Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài nhanh chóng vào thị trường trong nước, lấn át các mặt hàng nông sản nội địa. Hiện người tiêu dùng trong tỉnh không khó để tìm các loại nông sản ngoại, như gạo Campuchia, quýt Thái, nho Mỹ... ở tất cả siêu thị, cửa hàng bách hóa hay ở chợ lớn, nhỏ trên địa bàn.

Tình trạng này đã và đang khiến nông dân trong tỉnh lo lắng. Bởi sản phẩm mình phải đổ mồ hôi, công sức làm ra với chất lượng không thua kém hàng ngoại nhưng lại không được người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do giá thành sản xuất sản phẩm của các nước phát triển thấp hơn trong nước và hầu hết đã có thương hiệu. Trong khi tâm lý phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại, cá biệt có một bộ phận không nhỏ còn nói không với hàng nội vì cho rằng, nông dân sử dụng quá nhiều loại thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu... Họ sẵn sàng lựa chọn hàng ngoại dù biết giá bán cao hơn sản phẩm trong nước cùng loại vì cho rằng sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo sức khỏe.

Toàn tỉnh có khoảng 10.200 ha cây ăn trái, chiếm 2,39% diện tích cây trồng. Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu nên Bình Phước có nhiều loại trái cây thơm ngon có tiếng nhưng chưa xây dựng được thương hiệu nên trái cây chưa thể vươn xa. Lợi dụng điểm yếu này, thương lái nơi khác về thu mua, sau đó đội lốt trái cây miền Tây xuất khẩu, gây thiệt thòi lớn cho nông dân trong tỉnh. Hay cũng là hạt gạo, nông dân Thái Lan sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, chế biến sản phẩm trên dây chuyền hiện đại được thế giới ưa chuộng. Còn trong tỉnh, đến nay vẫn có một bộ phận nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, phun thuốc, bón phân vô tội vạ. Thậm chí, 2 vựa lúa ngon có tiếng của tỉnh là An Khương (Hớn Quản) và Đăng Hà (Bù Đăng) đã có định hướng xây dựng thương hiệu từ rất lâu, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Khi niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong tỉnh chưa có thì buộc họ phải tìm đến sản phẩm nông sản có uy tín của nước ngoài, dẫn tới việc tiêu thụ nông sản gặp khó và sản xuất bị đình trệ.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, như vận động nông dân hoạt động theo mô hình hợp tác; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa đơn vị sản xuất với người tiêu dùng; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất... Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay kinh tế tập thể vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Để các loại nông sản chủ lực của tỉnh vươn xa, ngành chức năng sớm hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá, phát triển thị trường. Đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật và định hướng nhà vườn liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Lâm Phương

  • Từ khóa
109185

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu