Thứ 6, 19/04/2024 17:17:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 11:45, 25/11/2018 GMT+7

Nên tôn trọng và lắng nghe con nói!

Chủ nhật, 25/11/2018 | 11:45:00 235 lượt xem

BP - Chị Ngọc Mai thân mến!

Cách đây gần 1 tháng, con trai tôi đang học lớp 12 vẫn đi học thêm theo lịch nhưng một lần khi vào quán bàn công chuyện tôi gặp con đang uống trà sữa với bạn cùng lớp. Bất ngờ thấy con không ở lớp học, tôi thắc mắc thì con nói cô cho nghỉ vì bận công việc riêng. Quá tức giận, tôi mắng con sao không về nhà mà lang thang quán xá và yêu cầu con về. Nghe vậy, cháu đùng đùng nổi giận và bỏ về. Nhưng thực ra con không về nhà. Tôi đôn đáo tìm kiếm, thăm dò bạn bè và biết được chỗ ở của con. Mặc cho tôi khóc lóc, năn nỉ, con vẫn một mực khẳng định: “Con lớn rồi, tự kiếm tiền lo ăn học và sẽ tồn tại được, mẹ không phải lo. Mẹ đừng xem con như đứa trẻ lên ba”.

Tôi buồn chẳng thiết ăn uống. Chồng quay ra trách móc tôi nói năng không kiêng dè để đến nông nỗi này. Giờ chẳng biết cách gì để đón con về. Tôi biết mình đã nóng la mắng con không đúng chỗ nhưng chẳng lẽ tôi phải hạ mình xin lỗi con trai ư?

Minh Nguyệt (Đồng Xoài)

Minh Nguyệt thân mến!

Cha mẹ thường cho mình cái quyền của người lớn mà quát nạt, la mắng, buộc con phải nghe theo mà không để ý đến cảm xúc của con. Cũng vì tính chủ quan đó mà nhiều khi sự việc không nghiêm trọng lại thành khó kiểm soát. Có lẽ chị không thể hình dung “một chút” nóng nảy vô tình đã làm con tổn thương đến thế phải không?

Dân gian có câu: “Muốn nói ngoa làm cha mà nói” chính là phản ánh thực tế kiểu cha mẹ thường dùng “quyền” của mình để áp đặt lên con. Xưa kia, theo quan điểm Nho gia, đạo làm con phải giữ trọn hiếu, nhất nhất phải vâng lời cha mẹ, kể cả khi cha mẹ nói sai cũng không được phép cãi lời. Điều này cực kỳ phổ biến khi soi rọi vào chế độ phong kiến. Tuy nhiên, thời hiện đại thì sự áp đặt đã không còn phù hợp, con cái cần được tôn trọng, lắng nghe. Nhưng không phải bậc làm cha, làm mẹ nào cũng quan tâm đến cảm xúc của con. “Nhân vô thập toàn”, cha mẹ cũng có lúc sai và cái sai của người lớn thường khó tha thứ hơn. Bởi cha mẹ là những người vượt hẳn con về kinh nghiệm sống, sự hiểu biết. Trẻ đang ở tuổi vị thành niên và có sự nhạy cảm khi tâm sinh lý phát triển. Chúng biết rạch ròi tốt xấu, đúng sai nên cha mẹ cần ứng xử phù hợp để tránh gây thất vọng cho con.

Khi ba mẹ mắc lỗi với con lại thường nặng nề trong việc xin lỗi con. Họ thường nghĩ như vậy là “hạ mình”, “mất uy” với con. Nhưng theo các nhà nghiên cứu tâm lý, thực tế chứng minh rằng, cha mẹ xin lỗi con lại đang tự xây dựng cho con mình một văn hóa đẹp trong ứng xử. Quan trọng hơn, cha mẹ còn cho thấy bản thân con luôn được tôn trọng. Biết xin lỗi con chính là một ứng xử nhân văn có lợi cho hình tượng của cha mẹ. Hoàn toàn sẽ không có chuyện mất uy hay hạ mình trong mắt con. Cha mẹ chỉ thực sự mất uy trong mắt con khi mắc lỗi mà không chịu thừa nhận.

Chuyện xảy ra chứng tỏ con trai chị rất có lòng tự trọng. Cháu đã chín chắn trong nhận thức. Như vậy, vợ chồng chị còn chần chừ gì mà không đến gặp và xin lỗi rồi đón con về. Người làm cha, làm mẹ đừng bao giờ có suy nghĩ con luôn bé nhỏ để dạy dỗ, “chỉnh sửa” mọi lúc mọi nơi mà không để ý đến hoàn cảnh, cảm xúc của con ở thời điểm đó. Đặc biệt, cũng cần phải xin lỗi con nếu mình sai, mình làm tổn thương quá lớn đến lòng tự trọng của con. Đó là việc nên làm ngay để cải thiện tình hình theo chiều hướng tốt đẹp.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
95367

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu