Thứ 7, 20/04/2024 21:52:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:05, 17/09/2014 GMT+7

Nét đặc sắc của lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc

Thứ 4, 17/09/2014 | 14:05:00 386 lượt xem

BP - Nhân dân ta có câu “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” là để nhớ về lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh. Hai vị là người cha, người mẹ thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc. Lễ hội tháng Tám (giỗ cha) được gọi là lễ hội mùa Thu đền Kiếp Bạc. Hàng năm, tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội: Mùa Xuân Côn Sơn và mùa Thu Kiếp Bạc, thu hút hàng triệu lượt người từ mọi miền đất nước hành hương về tưởng niệm các bậc tiền nhân. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Cả hai lễ hội đều là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quang cảnh lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2014 - Ảnh internet

 
Năm 2014, lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 7 đến 13-9 (tức từ ngày 15 đến 20-8 âm lịch) và cũng là lễ tưởng niệm 714 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1300-2014).

VÀI NÉT VỀ CÔN SƠN - KIẾP BẠC

Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có lịch sử xây dựng từ đầu thế kỷ XIV. Đây là một quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt, bao gồm: Di tích lịch sử văn hóa danh thắng Côn Sơn và Khu di tích lịch sử văn hóa Kiếp Bạc. Côn Sơn là mảnh đất gắn liền với những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1418-1427) và sự nghiệp xây dựng đất nước giai đoạn 1428-1442.

Kiếp Bạc là địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn khoảng 5km. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long. Nơi đây có vị trí đắc địa về phong thủy, hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập đại bản doanh, xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng và ra biển Đông... trong đó lấy căn cứ địa Vạn Kiếp làm trung tâm chỉ huy.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, di tích cổ kính, không chỉ gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, mà còn là nơi nổi tiếng với các danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán...

LỄ HỘI CÔN SƠN - KIẾP BẠC

Mở đầu lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc năm 2014 là lễ xin phép mở hội (lễ Cáo yết), lễ đúc tượng La Hán chùa Côn Sơn. Tiếp đó là lễ rước văn từ Tổ đường chùa Côn Sơn lên đền thờ Ức Trai. Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ tưởng niệm diễn lại vở chèo “Côn Sơn hiền sĩ” do Nhà hát chèo Hải Dương thực hiện. Ban tổ chức lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc đọc diễn văn tưởng niệm, Văn tế Nguyễn Trãi. Kết thúc lễ tưởng niệm là lễ tế truyền thống của hậu duệ dòng họ Nguyễn Trãi ở làng Chúc Thôn, Chi Ngãi.

Chương trình lễ hội được tiếp tục bằng lễ khai ấn; đây là nghi lễ cổ truyền ở đền Kiếp Bạc. Theo lệ xưa, cứ vào trước ngày đại kị của Đức Thánh, chính quyền sở tại cùng các cụ cao niên làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng rồi làm lễ xin phép Ngài, xong đem ban phát cho khách thập phương. Sau lễ mật định của các hòa thượng, tổ chức đốt pháo bông, thả đèn trời chào mừng đại lễ. Ngày 17-8 (âm lịch) diễn ra nhiều nội dung quan trọng. Buổi sáng là lễ rước bộ truyền thống của nhân dân làng Vạn Yên và Dược Sơn, sau đó là lễ tưởng niệm và khánh thành công trình tu bổ đền Kiếp Bạc. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu là nghi lễ quan trọng, đặc sắc trong lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc. Đây là cuộc diễu hành, biểu dương lực lượng, thể hiện cuộc xuất quân năm xưa của các tướng lĩnh, làm sống lại hào khí truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu cũng là nét độc đáo của lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhằm mục đích tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Buổi tối các ngày từ 16 đến 18-8 (âm lịch) có lễ diễn xướng hầu Thánh, nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Khép lại chương trình lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc năm 2014 là lễ giỗ Đức Thánh Trần, được tổ chức vào sáng ngày 20-8 âm lịch tại núi Mâm Xôi và đền Kiếp Bạc. Nghi lễ do các nhà sư thực hiện theo quy định truyền thống. (*)

Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước. Hàng năm với 2 kỳ lễ hội, nhân dân trong nước đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng, đồng thời để được bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông. Lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn.                                    

Đức Hồng
(*) Bài viết có tham khảo tài liệu consonkiepbac.org.vn

 

 

  • Từ khóa
90925

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu