Thứ 5, 28/03/2024 19:12:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:49, 13/08/2019 GMT+7

Nét đẹp của tôn giáo ở Việt Nam

Thứ 3, 13/08/2019 | 09:49:00 1,577 lượt xem
BP - Ngày 9-8, chia sẻ tại buổi gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận với hơn 26 triệu tín đồ, gần 56.000 chức sắc, trên 145.000 chức việc. Những số liệu này cho thấy, Việt Nam trong số các quốc gia có nhiều tôn giáo nhất trên thế giới. Qua đó cũng có thể thấy mức độ tự do tôn giáo ở Việt Nam như thế nào. Không những thế, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tôn giáo ở Việt Nam là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Ở Việt Nam những giáo lý nhân văn, bác ái của các tôn giáo đã cụ thể hóa thành hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Từ tấm bé, có không ít trẻ em được nuôi dưỡng, giáo dục những năm đầu đời ở trường sơ, có không ít thanh thiếu niên đến với các khóa tu mùa hè. Ở tuổi trưởng thành, nhiều người tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ... do các tổ chức tôn giáo thực hiện. Một điều hiếm thấy ở các quốc gia khác trên thế giới là các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta hằng năm định kỳ tổ chức gặp mặt đại diện tất cả chức sắc tôn giáo và những buổi gặp ấy luôn thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần sống tốt đời đẹp đạo... Đây là nét đẹp trong tôn giáo ở Việt Nam ít quốc gia nào có được.

Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, trong tuyên bố về những vấn đề cấp bách của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa tại phiên họp đầu tiên ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vấn đề có tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Tư tưởng ấy thể hiện trong suốt quá trình cách mạng của Việt Nam cho đến ngày nay. Các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo ở nước ta luôn được quan tâm ban hành, triển khai. Đặc biệt từ những năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách về tôn giáo. Từ chỗ chỉ có 3 tổ chức tôn giáo được công nhận là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua Nhà nước Việt Nam đã lần lượt xem xét và công nhận về mặt tổ chức cho nhiều tôn giáo như Hồi giáo, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)... và đến nay đã có tới 43 tổ chức tôn giáo được công nhận.

Từ đó cho thấy, tôn giáo ở Việt Nam tốt đẹp và quan trọng thế nào. Thế nhưng, lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là một trong những âm mưu xuyên suốt của các thế lực thù địch Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện âm mưu đó, họ không từ một thủ đoạn nào để chống phá, đặc biệt là xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Các thế lực thù địch hiện vẫn không ngừng rêu rao những luận điệu như Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam đàn áp tôn giáo... Tuy nhiên dù họ có xuyên tạc như thế nào cũng không thể phủ nhận thực tế Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cộng đồng các tôn giáo, tín đồ tôn giáo và cả những ai chưa có tôn giáo cần hết sức thận trọng trước những luận điệu xuyên tạc ấy.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
109165

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu