Thứ 7, 20/04/2024 07:44:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:41, 05/06/2017 GMT+7

Nếu biết giật mình

Thứ 2, 05/06/2017 | 10:41:00 97 lượt xem
BP - Hôm nay 5-6, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” và một số hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017.

Tại Bình Phước, UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND huyện Lộc Ninh tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường và Ngày môi trường thế giới. Chủ đề của Ngày môi trường thế giới năm nay là “Sống hài hòa với thiên nhiên”, đây là thông điệp gửi đến mọi người trên hành tinh rằng hãy nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường.

Chưa bao giờ, vấn đề ô nhiễm môi trường và sự bức thiết phải nỗ lực bảo vệ môi trường lại nóng như thời gian gần đây. Hẳn nhiều người không khỏi băn khoăn lo lắng về tình trạng sạt lở đất đang diễn ra hết sức nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo thống kê của cơ quan chức năng, ĐBSCL có đường bờ biển dài khoảng 774km, nhưng hiện có đến 24 khu vực thường xuyên bị sạt lở với tốc độ xói lở từ 5-45m/năm. Tính bình quân, mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500 ha. Ngoài mất đất, xói lở còn làm suy giảm rừng phòng hộ ven biển. Chỉ tính từ năm 2011-2016, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm 15.339 ha.

Tại Bình Phước, tình trạng ô nhiễm môi trường và hệ lụy của nó cũng đã hiện diện ở nhiều nơi với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người hẳn chưa quên vụ việc cá chết hàng loạt nổi trắng mặt sông Sài Gòn đoạn chảy qua 3 xã của huyện Hớn Quản vào đầu tháng 7 năm ngoái. Rồi tình trạng các cơ sở sản xuất, chăn nuôi đang ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Nhớ lại chừng mười lăm năm trước, người dân Tây Nguyên ồ ạt phá rừng, khoan giếng trồng cà phê, hồ tiêu bởi nguồn lợi lớn do loại cây này mang lại. Những cánh rừng bạt ngàn đã bị hủy hoại để nhường chỗ cho cây cà phê. Còn ở miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ, lấy đất trồng tiêu, trồng cà phê cũng sôi động không kém. Những mảng xanh bất tận bị chặt phá, trơ ra những đồi núi trơ trọi, xám ngắt. Trong niềm hoan hỉ của sự tăng trưởng, người ta chỉ nhìn thấy nguồn lợi do xuất khẩu cà phê, xuất khẩu hồ tiêu. Không ai nghĩ sẽ có một ngày nguồn lợi từ hồ tiêu, cà phê, cao su mang lại không thể mua nổi nguồn nước và môi trường sống. Thế nhưng rừng vẫn bị chặt phá. Và bây giờ rừng hết gỗ, chẳng còn gì để chặt phá thì con người lại nhòm ngó đến các loại tài nguyên khác và đào bới trong lòng đất để tìm nguồn nước!

Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường không còn xa xôi mà đã hiện diện ngay trong cuộc sống của người dân Bình Phước. Sẽ cải thiện được tình hình - nếu chúng ta biết giật mình, dừng lại. Việc cần làm ngay bây giờ là chấm dứt khai phá những cánh rừng còn sót lại và nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu phát triển khác. Cần chung tay khôi phục lại màu xanh cho những cánh rừng, “vá” lại lá phổi mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. Để đến trăm năm sau, trên mỗi dòng sông, con suối, con cháu chúng ta còn có thể bụm vào lòng bàn tay một ngụm nước trong veo mát lành. Và trong khoảnh khắc ấy, chúng ta nhớ lại đã có một thời, cha ông từng rất dại dột, nhưng đã biết sửa chữa, để cho sự sống mãi trường tồn.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu