Thứ 6, 19/04/2024 14:55:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 15:41, 22/10/2018 GMT+7

Nga: Mỹ rút khỏi INF đe dọa tới an ninh toàn cầu

Nguồn QĐND
Thứ 2, 22/10/2018 | 15:41:00 118 lượt xem
BPO - Sau tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuối tuần qua, ngày 22-10, nhiều quan chức và giới lập pháp Nga đã lên tiếng chỉ trích quyết định Washington và coi đây là hành động đe dọa tới ổn định và an ninh toàn cầu.

“Quyết định rút khỏi INF của Tổng thống Donald Trump không khiến chúng tôi bất ngờ vì khả năng này đã được chúng tôi tính tới trong suốt thời gian qua. Vấn đề nằm ở chỗ những cáo buộc của Mỹ về việc chúng tôi vi phạm INF hoàn toàn là vô lý và không có bằng chứng”, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Frants Klintsevich nhấn mạnh. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nguyên nhân Mỹ rút khỏi INF là do phía Nga vi phạm hiệp ước này.

Theo lời ông Frants Klintsevich, các quốc gia châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do việc Mỹ rút khỏi INF. Hiệp ước này từ trước tới nay luôn được coi là hòn đá tảng đảm bảo an ninh quốc gia cho châu Âu.

Tên lửa đạn đạo tầm trung của Mỹ từng triển khai tại châu Âu. Ảnh: DefenseTalk.

“Giống như thời Liên Xô, Mỹ đang muốn kéo chúng ta vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng mong muốn của họ sẽ không trở thành hiện thực. Nước Nga đã có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định và an ninh quốc gia”, ông Frants Klintsevich nói.

Về vấn đề này, Ủy viên Hội đồng Liên bang Nga, Alexey Pushkov đánh giá, sự kiện Mỹ rút khỏi INF đang đẩy thế giới vào bất ổn. Điều này cũng tương tự như việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002.

“Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi INF giống như một đánh trời giáng vào sự ổn định toàn cầu. Điều này cũng tương tự như việc Washington rút khỏi ABM năm 2002. Mỹ lại một lần nữa châm ngòi cho xung đột”, ông Alexey Pushkov nói.

Theo lời ông Alexey Pushkov, kể cả khi rút khỏi INF, Mỹ cũng không bao giờ đạt được ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây từng nhấn mạnh, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân trước và Mỹ sẽ không bao giờ đạt được ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt này.

“Chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể ngăn việc sử dụng chúng trong thực tế. Mỹ đang cố gắng đẩy thế giới chìm vào chiến tranh Lạnh một lần nữa”, ông Alexey Pushkov nhấn mạnh.

Trước nguy cơ châu Âu sẽ biến thành chiến trường chính của vũ khí hạt nhân nếu xung đột xảy ra, năm 1987, Mỹ và Liên Xô đã ký INF. Hiệp ước này quy định các bên không được phát triển các loại tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm xa (từ 500 tới 5.500km). Trong nhiều thập kỷ qua, cả Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Vấn đề này càng trở nên căng thẳng khi Mỹ triển khai các thành phần phòng thủ tên lửa ở châu Âu, khi các bệ phóng của tổ hợp Aegis ashore có khả năng mang tên lửa tấn công với tầm bắn tới 2.000km.

  • Từ khóa
78737

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu