Thứ 6, 29/03/2024 08:50:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:46, 03/03/2017 GMT+7

Ngăn chặn “làm giá” tại các phiên đấu giá

Thứ 6, 03/03/2017 | 08:46:00 316 lượt xem
BP - Ngày 28-2, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã bán đấu giá thành công lô cao su thanh lý gồm 39.000 cây là tài sản nhà nước thuộc Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé. Với giá khởi điểm 45,2 tỷ đồng, 16 doanh nghiệp tham gia đấu giá đều trả giá cao hơn giá khởi điểm, trong đó doanh nghiệp trúng đấu giá đã trả 67,2 tỷ đồng, cao hơn đến 22 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trước đó, ngày 22-2, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh tổ chức bán đấu giá lô cao su thanh lý này nhưng đã phải tạm hoãn do sự xuất hiện của những “tay anh chị” giang hồ. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá bị những người này đe dọa, uy hiếp buộc phải bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm nếu không sẽ bị “xử”. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh và Công an thị xã Đồng Xoài nên tình hình nhanh chóng được ổn định. Tuy vậy, để đảm bảo an ninh trật tự và trấn an những doanh nghiệp tham gia đấu giá, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã quyết định lùi thời gian tổ chức bán đấu giá lô cao su thanh lý nói trên, chờ ý kiến chỉ đạo của Sở Tư pháp.

Trong bài viết này, chỉ xin đề cập đến thực trạng “làm giá” tại các phiên đấu giá cây cao su thanh lý của các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu bán cây cao su thanh lý đều thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua biết để tham gia đấu giá. Sau khi tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia đấu giá với doanh nghiệp bán cao su thanh lý theo mốc thời gian quy định, các tổ chức, cá nhân được thông báo thời gian, địa điểm và mức giá khởi điểm của lô hàng. Theo quy định, tổ chức, cá nhân nào trả giá cao nhất so với giá khởi điểm sẽ là người trúng đấu giá. Thế nhưng, trước mỗi phiên đấu giá thường có hàng trăm tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký đấu giá. Đây thực chất chỉ là cánh “ong ve” của các “ông lớn”. Họ đã dùng mánh khóe thông đồng với nhau bỏ giá rất thấp và các “ông lớn” chỉ cần “nhích lên” trên giá khởi điểm một chút là có thể trở thành người trúng thầu. Và lẽ dĩ nhiên là cánh “ong ve” sẽ được trả một khoản hoa hồng gọi là “công tham gia đấu giá”! Như vậy, phần thiệt hại sẽ thuộc về phía doanh nghiệp bán đấu giá, mà tài sản ở đây là tài sản thuộc sở hữu của nhà nước.

Trở lại câu chuyện bán 39.000 cây cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng thì có lẽ một khoản tiền lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng của nhà nước đã bị thất thoát. Từ đây đã hé lộ những “chiêu trò” trong việc đấu giá tài sản là cây cao su thanh lý. Vì vậy, để góp phần hạn chế những lỗ hổng trong đấu giá cây cao su thanh lý, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Đầu tiên là việc định giá phải sát thực, khoa học và kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, phải xem xét đến năng lực tài chính của các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá. Cuối cùng là phải tạo môi trường thật sự công bằng, bình đẳng; quản lý, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải bỏ giá thấp để trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước.

Chính Trực

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu