Thứ 7, 20/04/2024 19:04:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:47, 25/10/2019 GMT+7

Ngăn chặn lợi dụng chính sách để trục lợi

Thứ 6, 25/10/2019 | 08:47:00 169 lượt xem
BP - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng. Theo cơ quan quản lý thuế, nguyên nhân chủ yếu phải ban hành nghị quyết là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sự nỗ lực của ngành thuế trong việc thu hồi nợ đọng, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa giảm từ 12,2% năm 2014 xuống mức 6,9% vào cuối tháng 8-2019. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế còn cao, tổng tiền nợ thuế tính đến ngày 31-8-2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31-12-2018. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng tiền nợ thuế.

Bình Phước cũng không phải ngoại lệ. 8 năm trước, giá hạt điều rớt thê thảm kéo theo nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh điều bị phá sản, trong đó có những DN đang nợ thuế trên 3 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Hiện trong tổng hơn 1.200 tỷ đồng nợ thuế ở Bình Phước thì trên 80% thuộc diện khó có khả năng thu hồi, kéo theo số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cũng tăng lên gần bằng nợ thuế gốc. Cùng với đó là số DN nợ thuế bỏ trốn hoặc đi khỏi nơi cư trú rất nhiều. Mặc dù cơ quan thuế đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương để nắm bắt khả năng thu hồi, nhưng số nợ nêu trên không có khả năng thu hồi.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm nhưng không có khả năng thu hồi mà cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn nhân lực. Tuy nhiên, theo quy định trong dự thảo nghị quyết, một số đối tượng được xét xóa tiền phạt chậm nộp thuế khá đơn giản, như: DN có quyết định giải thể gửi cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh; DN gửi đơn ra tòa làm thủ tục phá sản hoặc mới thụ lý thủ tục phá sản; DN không còn hoạt động tại nơi đã đăng ký, có xác nhận của chính quyền... Nếu được áp dụng vào thực tế sẽ phát sinh tình trạng DN tìm cách lách luật, trốn thuế, rồi xóa thuế, gây thất thu ngân sách. Thực tế cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp một DN vừa tuyên bố giải thể nhưng lại đăng ký thành lập DN khác, nhất là với những DN làm ăn theo kiểu chụp giật. Từ đó dẫn đến vừa không giải quyết được tận gốc vấn đề vừa làm “nản lòng” những DN làm ăn chân chính.

Xử lý nợ thuế là nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng chúng ta cũng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. Để nghị quyết đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng DN, rất mong cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét thấu đáo mọi khía cạnh nhằm bảo đảm việc xử lý nợ tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật. Việc xóa nợ thuế cũng cần thực hiện công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và người dân.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu