Thứ 6, 19/04/2024 01:44:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:49, 13/01/2016 GMT+7

Ngăn chặn việc tận diệt cá, chim tự nhiên

Thứ 4, 13/01/2016 | 14:49:00 358 lượt xem
BP - Môi trường sống đang ngày càng báo động vì nhiều việc làm xâm hại đến các loài động vật trong tự nhiên.

Tận diệt cá tự nhiên, chim trời ở nhiều nơi đã đến hồi báo động, trong đó có tỉnh Bình Phước. Khai thác tận diệt cá trong các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh bằng dụng cụ kích điện, lưới bắt cá quá dày hoặc chăng lưới ngang sông, thậm chí là dùng thuốc nổ để “vét sạch” các loại cá tôm... đã được báo chí phản ánh. Không những thế, hiện ở bất cứ huyện, thị nào trong tỉnh cũng có các cơ sở bán chim trời. Người ta bán công khai đủ loại ở các chợ hoặc bán dạo. Những “thợ” bẫy chim quanh năm suốt tháng đi làm để có chim cung cấp cho các đại lý đã tận diệt nhiều loài một cách không thương tiếc.

Các loài chim, thú nói chung là những mắt xích quan trọng của thế giới tự nhiên, có mối quan hệ hữu cơ trong sự tồn tại cân bằng của hệ sinh thái. Việc tận diệt cá, tôm, săn bắt chim hoang dã tràn lan như hiện nay đang làm xói mòn ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên của cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, năm 2010 có 1.227 loài chim, chiếm 12,4% trong tổng số 9.865 loài chim di cư trên thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Với đà săn bắt tận diệt như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài chim không còn là chuyện xa. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá sẽ biến mất vĩnh viễn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường đối với người dân như nạn sâu bọ, cào cào, châu chấu...

Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã, cũng là bảo vệ đa dạng sinh học của môi trường thiên nhiên. Ngày 29-5-1996, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 359/TTg “Về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã”. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 103, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện; nếu tàng trữ, vận chuyển phương tiện kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác bị phạt 2-5 triệu đồng; nếu sử dụng lưới điện để khai thác bị phạt 10-15 triệu đồng; sử dụng lưới dày đánh bắt bị phạt 300.000-500.000 đồng. Biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu dụng cụ đánh bắt trái phép.

Luật pháp đã quy định rõ nhưng tình hình tận diệt cá, tôm; săn bắt, buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ động vật hoang dã nói chung, các loài cá trên hồ, chim trời nói riêng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, sự chung tay của cộng đồng. Cùng với việc thể chế hóa các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, cần nâng cao ý thức của người dân, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các trường học. Mọi người phải thấy đó là chủ trương đúng đắn để tự giác thực hiện. Chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết không vì bất cứ lý do gì để dung túng cho những hành vi tận diệt các loài động vật có lợi cho môi trường sống của con người.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu