Thứ 6, 26/04/2024 13:39:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:07, 03/04/2013 GMT+7

Ngân hàng chính sách xã hội Lộc Ninh - nơi chắp cánh cho những ước mơ

Thứ 4, 03/04/2013 | 16:07:00 292 lượt xem

Đứng chân trên địa bàn huyện biên giới, dân tộc thiểu số, 10 năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Lộc Ninh đã trở thành nơi cứu cánh cho những hộ thoát nghèo, nuôi con ăn học. Ngân hàng CSXH Lộc Ninh là đơn vị điển hình phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi và bảo đảm an toàn vốn nhà nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 8,4%.

ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC HỘI, ĐOÀN THỂ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

Anh Điểu Lương, hội viên Hội nông dân ấp 9, xã Lộc Thuận vẫn nhớ ngày 6-8-2004, anh được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, theo chương trình cho vay hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn này, gia đình anh mua được 0,8 ha điều. Năm 2007 thu hoạch vụ điều đầu tiên, anh đã đủ trả gốc và lãi cho ngân hàng. Năm 2008, gia đình anh lại được vay vốn chương trình cho học sinh - sinh viên, 4 năm là 28 triệu đồng, cho con trai Điểu Chiến học đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

nông dân nuôi bò

Nhờ vốn vay ưu đãi, hộ nghèo xã Lộc Hưng có cơ hội chăn nuôi bò thoát nghèo

Năm 2011, kinh tế gia đình anh Điểu Lương gặp khó khăn do tiêu chết hàng loạt thì cũng là lúc con gái Thị Huệ thi đậu đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng CSXH lại tiếp sức cho vay 2 năm được 18 triệu đồng để con gái anh nuôi tiếp ước mơ trên giảng đường đại học. Năm 2012, con trai út Điểu Thắng được vay ưu đãi 10 triệu đồng khi nhập học trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Văn Hoàn, Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Thịnh cho biết: Xã có 913 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%, dân trí thấp. Đến nay, Hội nông dân xã đã thành lập 5 tổ vay vốn/5 chi hội, với 254 thành viên, tổng dư nợ là 3,115 tỷ đồng. Nhờ vốn vay ưu đãi, Hội nông dân Lộc Thịnh đã giúp 97 hộ thoát nghèo, 119 hộ có chuyển biến nhận thức về cách làm ăn, xây dựng được 52 công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Điển hình về hiệu quả vốn vay ưu đãi có hộ anh Đinh Xuân Quế ở ấp Hưng Thịnh; Lâm Hồng Bun, ấp Tà Thiết; Lê Khắc Toàn, ấp Cần Lê.

Bà Phạm Thị Thu, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Lộc Ninh cho biết: Trong 10 năm triển khai hoạt động vay vốn ủy thác Ngân hàng CSXH, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã tín chấp cho 5.847 lượt hộ hội viên nghèo vay vốn, với tổng dư nợ hơn 52 tỷ đồng, chiếm 38,5% tổng vốn vay của khối đoàn thể. Các cấp hội cũng tích cực phối hợp vận động thành viên vay vốn hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn đảm bảo dưới 0,5%.

Tính đến ngày 31-12-2012, tổng dư nợ ủy thác của chi nhánh Ngân hàng CSXH Lộc Ninh với 4 hội, đoàn thể là 175.466 triệu đồng, chiếm 98,61% tổng dư nợ, giúp 11.616 hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi.  

BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỒNG VỐN

Theo đánh giá của ông Trương Thanh Dũng, Giám đốc Ngân hàng CSXH Bình Phước, hoạt động cho vay tín dụng của chi nhánh Ngân hàng CSXH Lộc Ninh có hiệu quả cao nhất tỉnh cả về tổng vốn và tổng dư nợ cho vay. Đến ngày 31-12-2012, chi nhánh Ngân hàng CSXH Lộc Ninh có tổng vốn thực hiện là 178 tỷ đồng, tăng 154,8 tỷ đồng so với năm 2003, tương đương 7,7 lần. Tổng dư nợ cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi đến 31-12-2012 là 177 tỷ 922 triệu đồng. Nợ quá hạn là 937 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,52% so với tổng dư nợ, thấp nhất tỉnh (nợ xấu cho phép là 1,2%). Hiện nay, tổng số hộ còn dư nợ là 14.697, với 286 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân là 12,1 triệu đồng/hộ.

Tính đến nay toàn huyện Lộc Ninh 16/16 xã, thị trấn có điểm giao dịch cố định, tăng 3 điểm so với thời gian khi thành lập. Tại các điểm giao dịch thực hiện tốt nguyên tắc quản lý dân chủ công khai, vừa tiếp cận trực tiếp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại của người dân.

Bà Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH Lộc Ninh cho biết:  Hoạt động tín dụng Ngân hàng CSXH không phải vì lợi nhuận nhưng trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải bảo đảm an toàn nguồn vốn nhà nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo. Để củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ quá hạn có hiệu quả, ngân hàng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo xã, thị trấn và các hội đoàn thể nhiều giải pháp tích cực, hữu hiệu ngăn chặn nợ xấu phát sinh và giảm tỷ lệ nợ quá hạn. Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ thu hồi nợ các xã, thị trấn, tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc, xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ xâm tiêu lãi tồn đọng. Nhờ đó, không có nợ xâm tiêu mới phát sinh, lãi tồn đọng của các năm trước cơ bản thu hồi dứt điểm. Kết quả trong 10 năm trên địa bàn huyện đã thu hồi được 20,372 tỷ đồng nợ quá hạn và 2,52 tỷ đồng nợ xâm tiêu.

Thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong xóa đói giảm nghèo và trách nhiệm bảo đảm an toàn vốn nhà nước, Ngân hàng CSXH Lộc Ninh xứng đáng là đơn vị điển hình trong hoạt động cho vay ưu đãi.                      

Phương Hà

  • Từ khóa
39297

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu