Thứ 5, 28/03/2024 15:48:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:50, 27/06/2019 GMT+7

Ngành y tế “căng mình” phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thứ 5, 27/06/2019 | 06:50:00 343 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh nhập viện điều trị tăng cao. Tại một số địa bàn “điểm nóng” nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trong khi ngành y tế “căng mình” chống dịch thì vẫn còn một số nơi cán bộ chưa thực sự vào cuộc; một bộ phận nhân dân chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Nhà dân nuôi lăng quăng?

Theo Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, thời gian gần đây số ca mắc SXH trên địa bàn huyện tăng nhanh và vượt ngưỡng dự báo dịch. Đến ngày 22-6-2019, huyện Bù Đăng có 200 ca mắc SXH, tăng cao so cùng kỳ. Ngành y tế huyện đã phát hiện và xử lý 13 ổ dịch nhỏ tại các xã Thống Nhất, Đức Liễu, Đắk Nhau, Minh Hưng, Thọ Sơn, Phú Sơn và thị trấn Đức Phong. Đặc biệt, tại xã Thống Nhất đến ngày 22-6 ghi nhận 74 trường hợp mắc SXH (chiếm gần 40% số ca mắc toàn huyện) và 5 ổ dịch nhỏ tại các thôn 4, 12, 7, 8.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân thôn 4, xã Thống Nhất (Bù Đăng) loại trừ lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Dù các ổ dịch SXH được xử lý triệt để và kịp thời nhưng số ca mắc SXH tại xã Thống Nhất tiếp tục tăng nên ngành y tế đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng. Nguyên nhân là do quy mô xử lý ổ dịch nhỏ (200m từ nhà bệnh nhân) trong khi địa bàn rộng. Việc nhân lực, trang thiết bị, vật tư và kinh phí hạn chế nên không mở rộng khu vực xử lý dẫn đến các thôn lân cận tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới. Bên cạnh đó, công tác phòng dịch chưa huy động tốt nguồn nhân lực địa bàn, việc tuyên truyền vận động người dân chưa thật sự đi vào chiều sâu, một số người dân chưa quan tâm và không tự giác diệt lăng quăng để phòng bệnh. Qua kiểm tra, giám sát dụng cụ chứa nước tại hộ dân có lăng quăng tăng rất cao vì còn một bộ phận người dân chưa thay đổi hành vi về phòng, chống SXH.

Anh Điểu Văn Xa ở thôn 4, xã Thống Nhất cho biết: Mấy ngày nay, xung quanh nhà muỗi nhiều quá. Xịt thuốc rồi mà vẫn còn muỗi, nhất là lúc chạng vạng. Kiểm tra nhà anh Xa, nhân viên y tế thấy gia đình nuôi sóc ngay trong nhà, dụng cụ cho sóc uống nước chứa đầy lăng quăng. Chưa kể xung quanh nhà anh có rất nhiều dụng cụ chứa nước, mở mỗi dụng cụ đều phát hiện có lăng quăng. Khi được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn, anh Xa nói cứ để đó, từ từ rồi anh đổ. Ông Nguyễn Đình Giới, Trưởng trạm Y tế xã Thống Nhất lo lắng nói: Chỉ cần 3 hộ “nuôi” lăng quăng như thế thì vài ngày nữa cả xóm bị SXH chứ đừng nói nhà nào cũng có lăng quăng như vậy. Thế nhưng rất ít người dân quan tâm đến việc diệt lăng quăng, chỉ đề nghị phun nhưng không hiểu là phun hóa chất chỉ diệt được muỗi trưởng thành, không giải quyết triệt để vấn đề phòng dịch.

Ngành y tế chống dịch

Cả tuần nay, anh Nguyễn Viết Công, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng phải thức dậy từ lúc 3 giờ để tham gia cùng đoàn của tỉnh chống dịch SXH tại xã Thống Nhất. Đoàn liên tục thay phiên vận hành 3 máy phun tại 6 thôn trên địa bàn xã. Anh Công cho biết: Chúng tôi phối hợp với trạm y tế, y tế thôn bản, đội xung kích của xã đến tận hộ dân vừa tuyên truyền, hướng dẫn vừa phun hóa chất diệt muỗi. Thế nhưng vẫn còn người dân chần chừ không hợp tác, không dọn vệ sinh nhà cửa, loại bỏ dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Ở khu vực trung tâm buôn bán, nhiều nhà không đồng ý phun hóa chất vì sợ ảnh hưởng kinh doanh, có nhà khóa cửa chúng tôi không phun được. Để phát huy hiệu quả của hóa chất, chúng tôi phải phun từ 3-9 giờ và từ 15 giờ đến tối. Ở xã Thống Nhất, cùng với toàn bộ nhân viên trạm y tế, ngày đầu có 4 dân quân cùng tham gia hỗ trợ nhưng được 3 ngày thì 4 người đều bị bệnh, xin nghỉ.

Nhân viên y tế phun hóa chất tại nhà dân ở thôn 4, xã Thống Nhất (Bù Đăng)

Anh Lê Trọng Khánh, nhân viên Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thôn 12 xa trung tâm xã Thống Nhất, đường khó đi, nhất là gặp mưa lầy lội nên chúng tôi phải mang theo bánh mì dự trữ. Anh em thay nhau vận hành máy lớn, phun diện rộng, đảm bảo tác dụng của hóa chất. Vất vả vô cùng, anh em động viên nhau cố gắng chỉ mong dịch đừng bùng phát. Thế nhưng trăn trở nhất vẫn là có người dân hờ hững với công tác phòng dịch, cho rằng đó là nhiệm vụ của ngành y tế...

Trong 74 ca mắc bệnh SXH ở xã Thống Nhất có đến 55 trường hợp phải nhập viện theo dõi điều trị, trong số đó đến ngày 22-6 đã có 24 bệnh nhân được xuất viện. Bác sĩ Lê Hữu Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng cho rằng, năm nay SXH diễn biến bất thường như bệnh nhân sốt kéo dài, tiểu cầu giảm, chuyển độ đột ngột... nên phải theo dõi liên tục để tránh tái sốc. Vì vậy, trước đây điều trị SXH chỉ cần 5-7 ngày thì nay phải 10 ngày hoặc hơn nữa. Một số bệnh nhân mắc SXH nghĩ bệnh chỉ mắc một lần rồi thôi là không đúng. SXH có thể gây tử vong nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời, vì vậy người dân không được chủ quan.

Phòng dịch dựa vào cộng đồng

Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 9-6-2019, toàn tỉnh ghi nhận 1.761 ca bệnh SXH, không có trường hợp tử vong; số ca mắc tăng 142% so cùng kỳ năm 2018 (1.761/729 ca). Trong đó có đến 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc SXH tăng so cùng kỳ năm 2018. Các địa bàn có số ca mắc cao như: Đồng Xoài 381 ca, Chơn Thành 334 ca, Bù Đăng 166 ca...

Trước thực trạng đó, ngành y tế đã tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng; kế hoạch phun hóa chất chủ động diện rộng kết hợp với diệt lăng quăng phòng chống SXH tại các địa bàn có nguy cơ cao, nhất là tại một số “điểm nóng” như xã Thống Nhất (Bù Đăng), xã Tân Thành, phường Tiến Thành (Đồng Xoài), xã Bình Tân (Phú Riềng); đồng thời tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình SXH để có biện pháp xử lý kịp thời tại những địa bàn có số ca bệnh tăng cao. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ hóa chất diệt côn trùng, duy trì đội cơ động chống dịch sẵn sàng đáp ứng chống dịch khi cần. Giám sát chặt chẽ ca bệnh hằng ngày, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xử lý 111/112 ổ dịch SXH.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo nhân dân vệ sinh môi trường sạch sẽ, làm hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách thu gom, lật úp, dọn dẹp dụng cụ chứa nước không cần thiết; dụng cụ phế thải phải được thu gom hoặc chôn lấp đúng cách. Đồng thời, đậy nắp kín, thau rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước sinh hoạt; diệt lăng quăng 2 lần/tuần, với thông điệp “Không có lăng quăng - không có SXH”.

Phương Dung

  • Từ khóa
94574

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu