Thứ 6, 29/03/2024 17:17:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:55, 06/09/2019 GMT+7

Ngành y tế tích cực giảm thiểu chất thải nhựa

Thứ 6, 06/09/2019 | 06:55:00 452 lượt xem

BP - Chất thải nhựa đang là vấn đề “nóng” của toàn cầu bởi đặc tính khó phân hủy của nó. Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và Chỉ thị số 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Sở Y tế đã triển khai cho các cơ sở y tế trong tỉnh ký cam kết hành động cụ thể, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần.

Bác sĩ Nguyễn Lương Minh, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ, bao gói chứa đựng thuốc, hóa chất, dây truyền dịch... sử dụng rất nhiều.

Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài cam kết không sử dụng mũ trùm đầu, bọc giày, túi đựng thuốc, túi đựng chất thải làm bằng ni-lon khó phân hủy

Tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... có tác dụng góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hoạt động chuyên môn y tế thực hiện đúng quy định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong ngành y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Tuy nhiên, việc thay đổi các sản phẩm nhựa dùng 1 lần sang sản phẩm thân thiện môi trường là thách thức cần phải có lộ trình, cũng như thực hiện đồng bộ từ các đơn vị cung cấp đến cơ sở y tế.

Ký cam kết với Sở Y tế về triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác tại đơn vị, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài đã xây dựng kế hoạch thực hiện nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lon khó phân hủy như không sử dụng mũ trùm đầu, bọc giày, túi đựng thuốc, túi đựng chất thải làm bằng ni-lon. Bác sĩ Trịnh Xuân Thiều, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài cho biết: Chất thải nhựa trong ngành y tế bao gồm chất thải sinh hoạt và chất thải trong chuyên môn. Với đặc thù của ngành, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng 1 lần trong sinh hoạt rất lớn. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng 1 lần để bao gói, đựng thức ăn, nước uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Để thay đổi thói quen của cán bộ, nhân viên và bệnh nhân, Ban giám đốc trung tâm đã tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện thay thế các ly nhựa dùng 1 lần bằng ly, tách thủy tinh, sành, sứ, inox để sử dụng tại phòng làm việc và các điểm uống nước dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với các điểm uống nước dành cho bệnh nhân tại nơi công cộng, lại là nơi dễ tiếp xúc nguồn bệnh nên việc dùng chung ly, tách uống nước cũng được cân nhắc.

Việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế đang được Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài triển khai đồng bộ ở các khoa, phòng. Trung tâm hướng tới thay thế túi ni-lon bằng các túi giấy, túi ni-lon mỏng, dễ phân hủy để đựng thuốc cho người dân. “Những túi giấy khi không dùng nữa, bỏ đi rất dễ phân hủy ngoài môi trường, giảm tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa như túi ni-lon. Tuy nhiên, những hạn chế về tính tiện nghi của túi giấy còn khiến nhiều người dân chưa quen, cảm thấy bất tiện” - dược sĩ trung học Lê Thị Tám, Khoa Dược Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài cho biết.

Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người. Do đó, các cơ sở y tế cần có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa trong sinh hoạt và hoạt động chuyên môn. Đồng thời, thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, túi ni-lon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh; hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm và các hoạt động chuyên môn y tế khác... Từ đó tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa 1 lần và ni-lon khó phân hủy.         

Ngọc Hân

  • Từ khóa
47175

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu