Thứ 6, 29/03/2024 20:26:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:59, 26/01/2014 GMT+7

Ngày xuân qua ché rượu cần của đồng bào Xêtiêng

Chủ nhật, 26/01/2014 | 09:59:00 1,134 lượt xem

Chừng cuối tháng 12 âm lịch, khi lúa ngoài đồng đã thu hoạch xong, đồng bào Xêtiêng lại sửa soạn lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu để tạ ơn thần lúa, thần núi, thần sông, thần rẫy... đã phù hộ cho họ được nhiều lúa, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, đời sống ấm no hạnh phúc. Trong những ngày lễ, tết đó, rượu cần trở thành thức uống đặc biệt, gắn liền với những truyền thuyết, tâm linh.

Đồng bào Xêtiêng uống rượu cần - Ảnh tư liệu

Ông Điểu Griêm ở thôn 4, xã Bom Bo (Bù Đăng) cho biết: Ngày xưa thời khai sơn, phá thạch, thần tạo hóa (Yang Liêng) thấy người Xêtiêng không biết làm ăn gì. Thổi cơm cũng không biết, nấu rượu cũng chẳng hay. Thấy vậy, thần Yang Liêng đã dạy cho người Xêtiêng nấu rượu bằng cách lấy vỏ cây hơmuônl, krai, lá cây prareng, ler, mol kết hợp với gạo cùng kỹ thuật men ủ để chế tạo thành hai loại rượu: Rượu cần đắng và rượu cần ngọt, rồi được sử dụng phổ biến tới ngày nay.

Uống rượu cần là nghi thức tiêu khiển của đồng bào Xêtiêng. Trong những tháng nhàn rỗi, dù không phải ngày tết, dăm ba người hàng xóm sang chơi, chủ nhà hào phóng cũng có thể vác luôn một ché ra đãi. Hết ché rượu, còn vui chuyện, cả chủ lẫn khách lại kéo sang thăm nhà khác và tiếp tục ngồi bên những ché rượu quanh bếp lửa, chuyện trò vui vẻ kể cho nhau chuyện sinh hoạt, lao động, tình cảm đôi lứa. Những bữa rượu bất thường này đôi khi lôi kéo cả buôn, sóc nhập cuộc vui không kém ngày tết.

Những ngày lễ, tết hoặc trong những dịp có khách lạ tới thăm mà dùng tới rượu cần để đãi thì nghi thức uống rượu lại càng trịnh trọng. Ché rượu được buộc vào những cây cột cắm từ mặt sàn xuống đất. Chủ nhà lần lượt mở lá bịt miệng ché ra rồi cắm những chiếc cần xuống tận đáy ché. Cần rượu làm bằng thân cây lòng bong khô đã được rút lõi. Các ché rượu đã được sửa soạn xong, chủ nhà múc nước đổ đầy đến miệng ché. Nước bao giờ cũng phải đổ đầy miệng ché, nếu đổ vơi là không quý khách.

 Khi các ché rượu cần đã sửa soạn xong, chủ nhà thay mặt tất cả những người có mặt mời khách, chúc khách mọi sự bình an, như ý trong thời gian thăm sóc, ấp. Sau đó, chủ nhà tay phải cầm cần, tay trái đặt lên miệng vò, mắt ngước lên trời đọc lời chúc. Đọc lời chúc xong, chủ nhà trịnh trọng đặt một chiếc cần vào tay khách và tự lấy một chiếc cần khác, uống một hớp trước rồi mời khách nâng lên. Khách uống xong, những người chung quanh mới cầm cần để uống.

 Mỗi người nhấp giọng qua đợt một, chủ nhà sẽ lại lấy nước đổ cho đầy ché và tiếp tục mời khách. Lần này chủ nhà cầm sẵn một tô nước, khách uống đến đâu lại đổ đầy tới đó. Để đáp lại, khách cũng mời lại những người đã mời mình.

Có dịp đến các thôn, sóc của người Xêtiêng trong những dịp lễ hội truyền thống như: Lễ mừng được mùa, Lễ mừng lúa mới... hay mỗi dịp tết đến, xuân về, từ người già đến các em nhỏ đều mặc bộ trang phục truyền thống với những hoa văn, sắc màu rực rỡ trên nền vải thổ cẩm. Và không thể bỏ qua những ché rượu cần từ cách thức chế biến đến nghi thức uống rượu và cả quan niệm nhân sinh đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Xêtiêng, đã, đang được giữ gìn và phát huy.

   Đình Tâm

 

  • Từ khóa
87927

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu