Thứ 6, 29/03/2024 19:12:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:19, 05/06/2019 GMT+7

Nghị lực vượt khó của lão nông người Nùng

Thứ 4, 05/06/2019 | 14:19:00 1,341 lượt xem
BP - Bằng ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu, ông Phùng Chí Cao (dân tộc Nùng), ngụ ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú đã mạnh dạn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và gặt hái nhiều thành công. Trước tác động của biến động thị trường, ông thực hiện đa canh cây trồng (cao su, điều, mít Thái, lúa…) cho thu lời hơn 700 triệu đồng mỗi năm.

Tuổi thơ cơ cực

Quê tỉnh Cao Bằng, ông Cao là con cả trong gia đình có 5 anh em. Tuổi thơ của ông là những ngày theo cha mẹ vào rừng lấy củi, hái măng... kiếm kế sinh nhai. Mẹ mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, ít lâu sau cha tái hôn. Mấy anh em phải đùm bọc nhau để sinh sống. Là anh cả nên ông quán xuyến mọi công việc gia đình và lo cho các em.

Ông Phùng Chí Cao kiểm tra máng cạo mủ cao su của gia đình

Năm 1983, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia quân ngũ và làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1986, ông xin nghỉ phép và xây dựng gia đình với cô gái cùng quê. Đến năm 1987, ông xuất ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế. Tuy rất chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống vẫn không thể khấm khá, năm 1988, vợ chồng ông cùng 2 hộ dân khác từ Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp và định cư tại ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi. Ông Cao cho biết: Vào đến Bình Phước, cả 3 gia đình không còn một đồng dính túi, 6 người phải phân công nhau đi làm thuê để lấy gạo ăn. Số còn lại ở nhà chặt cây, cắt cỏ tranh làm căn chòi nhỏ để ở. Thời đó, một công làm thuê chỉ mua được 3kg gạo nên phải chi tiêu rất tiết kiệm. Tết Nguyên đán đầu tiên tại Bình Phước cả 3 gia đình chỉ mua được 1 con gà để đón giao thừa.          

Trái ngọt

Sau 1 năm tích cực lao động và tiết kiệm chi tiêu, ông mua được 2 sào đất, làm căn nhà lá và ra ở riêng. Nhờ chịu khó lao động, biết tính toán làm ăn, chi tiêu tiết kiệm nên đến năm 1995, vợ chồng ông mua được 7 ha đất trắng. Ban đầu do thiếu vốn, ông trồng lúa rẫy, đậu bắp, mì... vừa lấy lương thực vừa thu hồi vốn nhanh để tái đầu tư và 1 năm sau, khi đã có vốn “giắt lưng” ông đầu tư trồng điều. Tích lũy được vốn, ông lại mua đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình ông sở hữu 17 ha đất, trong đó 13 ha trồng cao su (8 ha đang thu hoạch, 5 ha non), 3 ha điều, mít Thái và 6 sào trồng lúa nước, 1 sào ao...

Ông Cao cho biết thêm, muốn phát triển kinh tế, nông dân phải biết áp dụng khoa học, kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng mới cho năng suất cao. Vì vậy, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng. Từ đó, ông nắm vững kỹ thuật, hiểu tường tận quá trình sinh trưởng của cây để có cách xử lý kịp thời khi phát sinh nấm, sâu, bệnh gây hại. Ví như cao su, để cây phát triển tốt và cho năng suất, sản lượng mủ cao, mỗi năm ông bón phân 3 lần vào đầu, giữa mùa mưa và đầu mùa khô. Giữa mùa mưa, cây cao su hay bị bệnh nấm hồng, bọ trĩ nên chú trọng xịt thuốc phòng trừ. Bên cạnh đó, nông dân phải thường xuyên bám vườn để theo dõi, phát hiện bệnh, điều trị kịp thời, tránh lây lan diện rộng... Từ làm kinh tế vườn rẫy, gia đình ông thu lời 700 triệu đồng mỗi năm.

Kinh tế ổn định, ông đầu tư cho các con học tập. Ông cho rằng, chỉ có kiến thức mới thay đổi được cuộc sống. Vì vậy, hiện cả 3 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. 10 năm với cương vị Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp Đồng Bia, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, huyện và là gia đình hiếu học, văn hóa nhiều năm liền.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
2267

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu