Thứ 5, 18/04/2024 17:40:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:40, 31/08/2014 GMT+7

Nghĩa nặng tình thâm

Chủ nhật, 31/08/2014 | 09:40:00 183 lượt xem
BP - Trần Quang Diệu là một trong “thất hổ tướng” của nhà Tây Sơn. Theo sử cũ còn lưu lại đến ngày nay, ông sinh năm 1760 và mất năm 1802. Trần Quang Diệu vốn có tên Trần Văn Đạt, người làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm Trần Quang Diệu đến thăm Nguyễn Nhạc. Vượt qua vùng rừng núi Kim Sơn, khi đến vùng Thượng Ninh thì Trần Quang Diệu gặp một con cọp lớn đón đường. Vì không mang đao theo nên Trần Quang Diệu phải đánh tay không với cọp từ sáng đến trưa. Sau đó, Trần Quang Diệu dần dần đuối sức, mình đầy vết thương, bê bết máu. Đang lúc lâm nguy thì gặp được Bùi Thị Xuân cùng đệ tử đi săn. Thấy cảnh người và cọp đánh nhau, người sắp bị cọp vồ nên Bùi Thị hét lên một tiếng, rồi rút song kiếm xông vào đánh nhau với cọp và cuối cùng cả hai liên thủ hạ được cọp.

Thoát chết, Trần Quang Diệu yêu cầu được đưa về Kiên Mỹ, đến nhà Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc và Bùi Thị Xuân vốn đã nghe danh nhau, song chưa có dịp làm quen. Nhờ cọp theo gió, gió đưa duyên mà nên nghĩa “vườn đào” giữa Nguyễn Nhạc và Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân.

Rồi để cho nghĩa thêm nặng, tình thêm thâm, Nguyễn Nhạc đứng làm mai và làm luôn chủ hôn để Trần Quang Diệu với Bùi Thị Xuân nên vợ nên chồng. Từ đó, Trần Quang Diệu ở luôn tại Kiên Mỹ, cùng Nguyễn Nhạc xây dựng cơ đồ. Năm 1789, Nguyễn Nhạc được tôn làm Tây Sơn vương. Trần Quang Diệu cùng Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng phụ trách việc mộ quân và huấn luyện.

Một hôm, nhân về thăm nhà, Trần Quang Diệu đã gặp và kết bạn với một tráng sĩ sau này là một tướng giỏi của nhà Tây Sơn. Đó là Võ Văn Nhậm. Võ Văn Nhậm gốc Quảng Nam, sức mạnh hơn người, võ nghệ giỏi, tính phóng khoáng không chịu ràng buộc. Nhậm vốn là kỳ tướng của quan trấn thủ Quảng Nam. Vì không tuân theo luật pháp nên bị tội, rồi bỏ trốn vào Quy Nhơn. Khi đến Phù Ly, Võ Văn Nhậm nghe người đi đường cho biết có tên cường hào cưỡng ép một thôn nữ về làm tì thiếp. Nhậm nổi giận, rút gươm chém chết tên thổ hào rồi định đến cửa quan nhận tội.

Bỗng một tráng sĩ vỗ vai: Đệ xem huynh chí khí tài lực đủ định loạn thiên hạ dễ dàng. Giết một con sâu dân thì có chi gọi là tội mà toan bỏ cái tài hữu dụng? Sao không đến Tây Sơn vương để chung lo việc lớn. Đệ là Trần Quang Diệu, xin tiến cử huynh lên nhà vua. Thế rồi Võ Văn Nhậm hớn hở theo Trần Quang Diệu lên Tây Sơn. Tây Sơn vương trọng dụng và sau này gả con gái là Thọ Hương cho Nhậm.

Ngày rằm tháng Tám năm Quý Tỵ (1794), Tây Sơn vương xuất binh đánh Quy Nhơn. Trần Quang Diệu được phong chức Đô đốc cùng Phó đô đốc Võ Văn Dũng, Đô đốc Lê Văn Hưng thống lĩnh một đạo binh xuống núi đánh chiếm miền Bắc Quy Nhơn.

Trần Quang Diệu phân binh làm ba đội: Một đội do Lê Văn Hưng chỉ huy, ở hậu phương làm lực lượng trừ bị. Một đội do Võ Văn Dũng cùng Cao Tắt Tựu đi đánh Bồng Sơn. Một đội do Trần Quang Diệu chỉ huy, cùng La Xuân Kiều đi đánh Phù Ly. Khi nghĩa quân kéo đến chưa đánh đã tan. Quân cũng như dân hai huyện đều hân hoan đón tiếp nghĩa quân. Sau đó, Trần Quang Diệu để Võ Văn Dũng ở lại trấn giữ hai huyện lỵ vừa mới lấy được, còn mình kéo đại binh vào hợp với Tây Sơn vương đánh chiếm được thành Quy Nhơn.

Lời bàn:

Vợ chồng Thiếu phó Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt trong lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là cả hai vợ chồng đều là tướng lĩnh trụ cột của triều đại Tây Sơn. Họ cùng hàng vạn nghĩa sĩ khác đi suốt cuộc trường chinh và phò tá vua Quang Trung - Nguyễn Huệ từ khi còn áo vải đến khi lên ngôi hoàng đế. Vợ chồng võ tướng này đã anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước, góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường, bất khuất, dũng cảm của cả dân tộc và đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự của nước ta những kinh nghiệm vô cùng quý giá.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận định: Nguyễn Huệ đã quên đi sức mạnh sấm sét của mình để sống với người tài bằng một quả tim lớn... Nguyễn Huệ đã buộc những người trí thức hoài nghi phải tin theo ông, bằng cách cho họ thấy rằng ông trao cả niềm tin cho họ, không chật hẹp, không dè chừng, không phân biệt. Và chính điều này đã giúp ông làm nên sự nghiệp vĩ đại. Chỉ tiếc là vua Nguyễn Quang Toản là một người thừa kế quá tệ hại khiến cả đội ngũ tướng sĩ tài ba, quân đội hùng mạnh phải chết thảm và tan nát hết cả. Và sự hy sinh của gia đình Thiếu phó Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân thật là thảm khốc, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và mối tình thủy chung son sắt của hai người mãi mãi được lưu truyền trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam.

K.N

 

 

  • Từ khóa
109577

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu