Thứ 7, 20/04/2024 08:59:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:33, 21/02/2015 GMT+7

Nghĩa tình quân dân ở Lộc Thịnh

Thứ 7, 21/02/2015 | 07:33:00 2,062 lượt xem
BP - Chúng tôi thăm Đồn biên phòng Tà Vát xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh). Nơi có những người chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm sát cánh cùng nhân dân canh giữ chủ quyền an ninh biên giới, vì một cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân.


Thiếu úy Lâm Úc nắn nót cho các em từng nét chữ

Giúp dân xóa nghèo

8 giờ sáng, trụ sở UBND xã Lộc Thịnh vẫn thưa thớt người đến liên hệ công tác. Chỉ có 2 cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Tà Vát đến sớm dự hội nghị tổng kết năm của Hội nông dân xã. Trong những cái bắt tay thật chặt, nụ cười tươi, cử chỉ thân thiện, những lời thăm hỏi ân cần, chúng tôi biết bà con coi cán bộ, chiến sĩ đồn Tà Vát như con cháu trong gia đình.

Chủ tịch UBND xã Mã Hữu Chính nói, chuyện về những chiến sĩ mang quân hàm xanh giúp dân làm kinh tế đã trở thành biểu tượng của tình quân dân ở đây. Phải vào tận thôn ấp, nghe và cảm nhận những câu chuyện bộ đội biên phòng giúp dân làm nhà, tuyên truyền cách ăn ở vệ sinh, canh tác đúng cách để lúa trĩu hạt, điều nhiều trái, cao su nhiều mủ... mới thấy cán bộ biên phòng làm được rất nhiều điều cho dân.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lâm Bưl (dân tộc Khơme), ở ấp Tà Thiết, được bộ đội hỗ trợ cặp bò giống năm 2012. Đến nay, cặp bò đã sinh sản được một bê con. Kể về chuyện nhận bò của bộ đội, Lâm Bưl cười: “Khi ấy không tin bộ đội giúp mình thật lòng nên không đến nhận... Nay bò đã sinh sản, có việc làm cho tụi nhỏ và là của để dành trong nhà. Gia đình tôi biết ơn bộ đội nhiều lắm”.

Thiếu úy Lâm Úc, cán bộ Đội vận động quần chúng kể: Khi được đồn hỗ trợ cặp bò giống trị giá 20 triệu đồng, Lâm Bưl không tin là thật. Đồn thông báo rất nhiều lần nhưng Lâm Bưl vẫn không đến nhận. Chúng tôi phải vào tận nhà nói cho Lâm Bưl rõ bộ đội muốn giúp gia đình thoát nghèo, anh mới đến nhận bò về nuôi. Việc giúp dân làm kinh tế ở đây còn nhiều chuyện “cười ra nước mắt”, vì nhận thức của bà con còn hạn chế. Bởi vậy, muốn được người dân tin yêu, nghe và làm theo, trước hết cán bộ, chiến sĩ phải sống gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Ngoài thời gian luyện tập, tăng gia sản xuất, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cán bộ và chiến sĩ của Đội vận động quần chúng còn “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để nắm tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu điều kiện sống để có kế hoạch giúp đỡ dân. Vào vụ sản xuất, trên các thửa ruộng không thiếu bóng dáng những “nông dân” mang quân hàm xanh. Các anh không chỉ biết cầm súng, len lỏi dưới rừng già tuần tra biên giới mà khi vào vai nông dân cũng tay cuốc, tay liềm thoăn thoắt.

Nâng bước trẻ em đến trường

Thượng tá Ngô Phi Thuân, Chính trị viên đồn Tà Vát cho biết: Năm 2012, đồn phối hợp địa phương rà soát những người trong độ tuổi từ 10 đến 40 chưa biết chữ vận động ra lớp xóa mù chữ. Lớp do cán bộ Đội vận động quần chúng phối hợp giáo viên Trường tiểu học - THCS Lộc Thịnh dạy. Chương trình dạy chủ yếu hai môn Tiếng Việt và Toán. Các lớp xóa mù chữ được mở trên chính ngôi trường do bộ đội xây tặng và thời gian dạy vào ban đêm. Khi các học viên đã vững vàng thì đưa ra điểm chính để tiếp tục theo học chương trình chung.

Thiếu úy Lâm Úc kể, việc vận động người dân ra lớp không dễ, nhất là vận động các em bỏ học trở lại trường. Đa số các hộ dân còn nghèo nên trẻ em bỏ học đi chăn bò, nhổ mì thuê, mót mủ cao su... Do vậy phải hiểu rõ nguyên nhân vì sao các em bỏ học và phân tích cho các gia đình hiểu “nếu cứ suốt ngày đi theo con bò sẽ không phát triển được”, họ mới cho con trở lại lớp. 

Thượng tá Ngô Phi Thuân cho biết thêm, bằng tiền vận động các mạnh thường quân, tiết kiệm từ tăng gia sản xuất và chiến sĩ gây quỹ từ thiện, đồn còn nhận đỡ đầu cháu Thị Lan, học sinh lớp 2A3, Trường tiểu học - THCS Lộc Thịnh, là con hộ nghèo, mỗi tháng 500 ngàn đồng trong 5 năm.

Chị Thị Ót - mẹ của Thị Lan nói: “Cuộc sống khó khăn nên không biết có cho nó ăn học mãi được không. Tôi tính cho nó biết chữ rồi ở nhà giúp mẹ, nhưng nay có bộ đội hỗ trợ, gia đình cũng yên tâm cho con đi học”. Đồn còn giao chi đoàn đơn vị xây dựng hũ gạo tình thương. Mỗi buổi nấu cơm, anh nuôi bớt ra 1 chén gạo. Lấy gạo đó hỗ trợ những gia đình khó khăn, con em học tập tốt...

Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Xác định biên cương có vững chắc, vẹn toàn hay không phần lớn dựa vào dân. Khi lòng dân đã thuận thì không một thế lực phản động nào có thể lay chuyển. Lộc Thịnh hôm nay đã trở thành một khối đồng tâm, không có người nghe theo kẻ xấu, không có người buôn hàng cấm, vượt biên trái phép. Mỗi khi phát hiện có người lạ vào địa bàn, bà con báo bộ đội hoặc chính quyền để kịp thời giải quyết.

Câu lạc bộ phụ nữ ấp Tà Thiết tham gia bảo vệ đường biên cột mốc thành lập năm 2011 với 35 thành viên. Những năm qua, vào mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, bộ đội lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người hiểu giữ gìn đường biên cột mốc là bảo vệ biên giới quốc gia.

Chị Phạm Thị Thúy, Chi hội phó phụ nữ ấp Tà Thiết cho biết: “Những năm qua, chi hội đã phát hiện nhiều phụ nữ đi tắt cầu khỉ sang Campuchia thăm người thân, mua bán hàng hóa. Chi hội đã phân tích rất nhiều nên tình trạng này giảm nhiều. Gần đây lại xuất hiện một số người ở xã Lộc Khánh, Lộc Hưng mượn giấy chứng minh nhân dân của người dân xã Lộc Thịnh để qua biên giới. Chúng tôi đã tuyên truyền và báo bộ đội biên phòng biết để tăng cường tuần tra, kiểm soát...”.

Cùng với đó, Chi đoàn Đồn biên phòng Tà Vát phối hợp đoàn thanh niên xã Lộc Thịnh thường xuyên vệ sinh thôn ấp, vận động nhà máy xi măng hỗ trợ vật liệu làm sân bê tông, tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sân nhà văn hóa ấp Đồng Tâm, sân Trường tiểu học - THCS Lộc Thịnh... Trong mối liên kết tình quân dân, đã có 12 đảng viên của đồn được tăng cường về sinh hoạt ở các chi bộ khu dân cư. “Có bộ đội biên phòng, tác phong làm việc, ý thức trách nhiệm của người đảng viên được nâng lên một tầm cao mới” - Chủ tịch UBND xã Mã Hữu Chính nói.

Gác lại sau lưng những nỗi niềm riêng tư, xuân này, vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ không về sum họp cùng gia đình. Thay vào đó, họ sẽ đến thăm hỏi, chúc tết các hộ dân và phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng nhân dân đón mừng xuân mới.

Minh Luận

 

  • Từ khóa
3024

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu